Đông xưởng là một tổ chức nằm trong Xưởng Vệ thời nhà Minh. Xưởng Vệ do hoàng đế thành lập có nhiệm vụ giám sát hành vi, cử chỉ của các quan lại ở tất cả mọi cấp.
Là các cơ quan an ninh do hoàng đế trực tiếp quản lý, Xưởng Vệ được quyền truy xét, tra khảo phạm nhân không cần thông qua các cấp xét xử thông thường.
Xưởng Vệ gồm 4 cơ quan giám sát là Cẩm y vệ được thành lập dưới thời Minh Thái Tổ, Đông xưởng (còn gọi là Đông hán) được thành lập dưới thời Minh Thành Tổ, Tây xưởng được thành lập dưới thời Minh Hiến Tông và Nội hành xưởng được thành lập dưới thời Minh Vũ Tông.
Ngoại trừ Cẩm y vệ do một vị quan quản lý thực thi pháp luật giống như công an thời hiện đại, ba xưởng còn lại đều do hoàng đế trực tiếp điều hành với sự cố vấn của các hoạn quan (thái giám).
Trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc gần đây, trên Weibo (mạng xã hội thịnh hành tại Trung Quốc), Nhân dân nhật báo từng cho rằng tháng 6.2014 thực sự là một tháng “bão tố” đối với các quan chức tham nhũng.
Trong tháng này đã có 4 quan chức Trung Quốc cao cấp bị điều tra, gồm cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) Từ Tài Hậu; cựu Phó chủ tịch Hội nghị Chính trị hiệp thương Trung Quốc (CPPCC) Tô Vinh; Lệnh Chính Sách, cựu trợ lý của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cựu Phó chủ tịch Hội nghị Chính trị hiệp thương tỉnh Sơn Tây và là anh trai của Lệnh Kế Hoạch; cựu Bí thư Thành ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương.
Tuy nhiên, trong vòng 38 ngày kể từ ngày 25.6 năm nay, số lượng quan chức tham nhũng cấp cao bị điều tra đã lên tới con số 9, trong đó có cựu Phó chủ tịch CMC Quách Bá Hùng; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Chu Bản Thuận; Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Hê Hiểu Minh và Phó tổng cục trưởng Tổng cục thể thao Tiêu Thiên.
Với số lượng quan chức cấp cao bị điều tra nhiều như vậy, năm 2015 mới thực sự là một năm lớn của chiến dịch “đả hổ đập ruồi”.
Sắp tới sẽ còn nhiều quan chức tham nhũng bị điều tra. Về hình thức xử lý quan tham, báo Thượng Hải đã trích dẫn bình luận của Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn:
“Đa số sẽ bị xử lý kỷ luật đảng mức độ nhẹ và thuyên chuyển công tác, thiểu số sẽ bị xử lý kỷ luật đảng mức độ nặng. Và đặc biệt có những quan chức vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng sẽ bị truy tố hình sự”.
Sửa đổi tiêu chuẩn và quy định
Thứ sáu tuần trước, ông Vương tổ chức cuộc họp cùng các lãnh đạo cơ quan, các học giả và lãnh đạo các văn phòng trung ương để thu thập ý kiến về việc sửa đổi tiêu chuẩn của một chính phủ trong sạch và quy định về các biện pháp kỷ luật đảng.
Cách đây không lâu, ông Vương cũng đã tổ chức một cuộc thảo luận với chủ đề tương tự với Bí thư Tỉnh ủy và đảng viên tỉnh Thiểm Tây khi ông về tỉnh này kiểm tra vào đầu tháng 7.
Việc thay đổi tiêu chuẩn của chính phủ và quy định về kỷ luật đảng là một kế hoạch dài hơi của ông Vương, bắt đầu từ tháng 10.2014
Tại phiên họp toàn thể lần 4 của CCDI năm 2014, ông Vương Kỳ Sơn đã nói việc xây dựng một hệ thống quy định chặt chẽ và khoa học là một việc làm cần thiết để chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng CS Trung Quốc sắp tới.
Theo ông Vương, việc xây dựng quy định nên bắt đầu từ sửa đổi các tiêu chuẩn của một chính phủ trong sạch cũng như các quy định về kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Có thể thấy, ông Vương đang cố gắng tách biệt kỷ luật của đảng CS Trung Quốc với pháp luật nhà nước.
Tại sao phải tách biệt ?
Theo Nhân dân nhật báo, ông Vương muốn tách biệt kỷ luật đảng với pháp luật nhà nước là để tăng hiệu quả hoạt động của CCDI.
Dù đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc điều tra, xử lý các quan tham, nhưng ông Vương cảm thấy CCDI bị giới hạn trong quyền hạn điều tra, và ông cho rằng việc điều tra nên để cho bên tư pháp thực hiện thay vì cơ quan chính phủ.
Thay vì chỉ điều tra các hoạt động tội phạm của đảng viên, ông Vương muốn CCDI còn có quyền điều tra sâu hơn về kỷ luật chính trị, kỷ luật tổ chức, sự tôn trọng các quy định về bảo mật thông tin, cũng như tác phong làm việc và chuyện “thê thiếp” của các đối tượng.
Việc tách biệt này có vẻ khó thực hiện vì trên thực tế hầu hết quan tham vi phạm kỷ luật đảng cũng đồng thời vi phạm pháp luật.
Nhưng theo ông Vương, CCDI không muốn làm thay cho các cơ quan điều tra, can thiệp vào công việc của nhau. Việc tách biệt sẽ giúp cho CCDI có quyền hạn điều tra cả hai hành vi vi phạm kỷ luật và vi phạm pháp luật.
Tạo ra một Đông xưởng mới thời hiện đại
Theo Nhân dân nhật báo, tại Trung Quốc, câu nói “kỷ luật đảng nghiêm khắc hơn pháp luật nhà nước” thường được nhắc tới. Các quan chức Trung Quốc không chỉ phải tuân thủ pháp luật, mà còn phải chấp hành các quy định của đảng CS Trung Quốc.
Nếu như một hệ thống quy định lý tưởng được thiết lập mà trong đó CCDI được quyền trừng trị thẳng tay các hành vi vi phạm kỷ luật đảng, tham nhũng nhỏ sẽ không phát triển thành phạm tội. Điều này tương tự như thuyết "cửa sổ vỡ" của Sở Cảnh sát New York.
Theo thuyết này, việc cắt giảm các hành vi phạm tội nhỏ sẽ có tác dụng lớn trong việc giảm tỷ lệ tội phạm.
Để xây dựng được hệ thống quy định lý tưởng như vậy, kỷ luật đảng và các bộ luật phải được sửa đổi hướng tới mục đích tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước, tạo ra những công dân biết tuân thủ quy định, chứ không nhằm mục đích trừng phạt hay bắt người.
Việc tách CCDI ra khỏi pháp luật nhà nước có thể được coi là hành động tái lập Đông xưởng thời hiện đại, cơ quan vốn nổi tiếng vì được cho quá nhiều đặc quyền đặc lợi dẫn đến nếu không đàn áp dã man các lực lượng đối lập thì cũng vì mưu lợi cá nhân mà nhũng nhiễu phạm nhân.
Khét tiếng bởi những hình phạt tra tấn tàn ác, Đông xưởng được cho là đã tạo nên rất nhiều vụ án oan trong giới quan lại và cả dân chúng.