Trung Quốc ra quy định cán bộ tổ chức đám cưới không được gây kẹt xe

Cẩm Bình |

Cán bộ đảng viên TQ tổ chức đám cưới không được gây kẹt xe, là một trong những tiêu chuẩn "giữ tác phong đảng viên" khi tổ chức đám cưới, đám tang.

Một số tiêu chuẩn mà cán bộ đảng viên Trung Quốc phải lưu ý đó là tổ chức đám cưới không được gây kẹt xe, không được làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của người khác.

Khi tổ chức việc hiếu hỉ thì cần phải cân nhắc có nên mời quá nhiều khách không? Có nên tổ chức xa hoa quá không?

Những tiêu chuẩn này nhằm mục đích quy định về quy mô buổi lễ, chi phí và số tiền được nhận, vừa được Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương (CCDI) công bố trên trang tin của họ ngày 17.2.

Quy định mới còn đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể đến từng chi tiết để tổ chức đám cưới, đám tang và các sự kiện tương tự.

Ví dụ, theo quy định của CCDI, để tránh “tạo ra các tác động xã hội tiêu cực”, các cán bộ đảng viên không được yêu cầu cấp dưới phụ giúp trong các buổi lễ.

Và làm thế nào để buổi lễ “không vi phạm lợi ích của người dân, của xã hội và quốc gia”? Theo CCDI thì đó là các buổi lễ này không được “làm cản trở việc sản xuất, học tập, lao động và giao thông thường nhật”.

Ngoài ra, CCDI còn quy định, tại các lễ tiệc hay buổi họp mặt gia đình thì chỉ nên mời họ hàng thân thích.

Các tiêu chuẩn này là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tiến hành từ năm 2012 đến nay.

Ông Tập đã ban hành nhiều quy định để chấn chỉnh tác phong cán bộ, đảng viên, chống lại “4 chủ nghĩa xấu” (lãng phí, hình thức, quan liêu, hưởng thụ).

Vào tháng 12.2015, Vương Thứ Triệu, cựu Chủ tịch Học viện âm nhạc trung ương Bắc Kinh, đã bị bắt điều tra vì tổ chức đám cưới xa hoa cho con gái tại một trung tâm nghệ thuật gần Học viện âm nhạc.

Trước đó tại tỉnh Thiểm Tây, bí thư đảng ủy nhiều thôn cũng đã bị bắt vì “nhận nhiều tiền mặt” trong các buổi lễ, CCDI cho biết.

Hiện tại, quy định này của CCDI đang nhận phải nhiều chỉ trích trên các trang mạng xã hội nước này. Một tài khoản Weibo cho biết, các quy định khá mơ hồ và không có cách nào biết được mình đã vi phạm tiêu chuẩn gì.

Hay một tài khoản khác chia sẻ: “Sắp tới khi anh họ tôi kết hôn thì chúng tôi chỉ có thể đãi 10 bàn, nhưng tại nơi chúng tôi sống có rất đông họ hàng và bạn bè phải mời, dự kiến cần ít nhất 30 bàn. Vậy chúng tôi phải tính sao đây?”.

Thậm chí, còn có người nhận xét, việc ban hành các tiêu chuẩn này biến Trung Quốc thành một Triều Tiên thứ hai.

Ngoài một số ý kiến chỉ trích, trên mạng cũng đã xuất hiện các ý kiến cho rằng những tiêu chuẩn này không những không có ích cho việc chống tham nhũng mà còn làm lợi cho bọn quan tham.

Tài khoản Weibo lấy tên Fuzeyuyi nói: “Vậy là bây giờ các quan chức có thể nhận quà mà không cần tổ chức các buổi lễ để “trả lễ” rồi”.

Theo Tân Hoa Xã , trong năm 2015 đã có hơn 36.600 cán bộ đảng viên bị xử lý vì vi phạm các nguyên tắc “liêm khiết” mà đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành.

Tờ Thanh niên Bắc Kinh cho biết, vào tháng 11.2015, đã có một quan chức Thiểm Tây từ chức vì bị cơ quan đảng địa phương từ chối để ông này mời nhiều người đến dự đám cưới của con trai.

Theo lời giải thích của vị quan chức này, ông ta có quá nhiều bạn bè thân thích không thể không mời và cách duy nhất để có thể tổ chức đám cưới cho con trai là từ chức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại