Vụ tấn công khủng bố tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đúng vào thời điểm quyết định, khi chính phủ Tổng thống Erdogan đang cố gắng lôi kéo sự ủng hộ từ phía Washington trong công cuộc can thiệp quân đội vào Syria.
Vụ đánh bom bên ngoài đồn chỉ huy quân đội, khiến 28 người chết và 60 người khác bị thương, được cho là một vụ tấn công được lên kế hoạch khá tinh vi.
Tiếng nổ phát ra vào đúng thời điểm hai ô tô chuyên chở quân đội dừng đèn đỏ bên ngoài đồn chỉ huy quân đội tại giao lộ, gần đó còn có tòa nhà quốc hội cũng như dinh thự của Bộ trưởng. Khu vực này thường được bảo vệ rất chặt chẽ.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutogly đã lên tiếng cáo buộc quân đội người Kurd tại Syria (YPG) là lực lượng đứng sau vụ tấn công khủng bố trên.
Đây là vụ tấn công khủng bố thứ tư trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 7 tháng vừa qua.
Binh sĩ người Kurd tại Syria (YPG). Ảnh: Kurdishstruggle
Tháng 1 năm nay, một kẻ đánh bom cảm tử đã giết chết 10 du khách, hầu hết là người Đức, tại Istanbul. Tháng 10 năm ngoái, một vụ nổ trong cuộc biểu tình vì hòa bình của người Kurd đã giết chết gần 100 người.
IS được cho là thủ phạm đứng sau cả hai vụ tấn công này, dù các nhà hoạt động người Kurd cáo buộc các cơ quan tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) bí mật tham gia vào vụ thảm sát tháng 10.
MIT từng bị ám chỉ có hợp tác với nhóm IS, từ buôn lậu súng và dầu mỏ qua biên giới Syria, tới cung cấp vũ khí hóa học cho các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Nhiều nhà lập pháp đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai chỉ trích chính phủ của Tổng thống Erdogan đồng lõa trong nhiều hành vi tội ác và bảo trợ khủng bố ở Syria nhằm thay đổi hệ thống chính trị tại Damascus.
Ông Can Dundar, biên tập báo Cumhuriyet, cùng hàng loạt nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ khác đã bị bắt trong những tháng gần đây do xuất bản các bài báo phơi bày việc MIT cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố tại Syria.
Những cáo buộc trên đã củng cố thêm các thông tin do quân đội Nga thu thập sau khi can thiệp vào Syria tháng 9 vừa qua, ngầm ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ có tham gia vào đường dây khủng bố xuyên biên giới.
Do vậy, theo nhà báo Cunningham, việc IS hoặc một vài mạng lưới liên quan tới Al Qaeda là thủ phạm vụ tấn công ở Ankara vừa qua có vẻ không hợp lý lắm.
Chính phủ Erdogan có thể công khai tuyên bố là một phần thuộc liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, nhưng, như đã nói, có rất nhiều bằng chứng chỉ ra việc các nhà cầm quyền Ankara ngầm liên lạc với chính những phần tử khủng bố đó.
Vì lý gì nhóm khủng bố lại quay sang tấn công chính người đang giúp đỡ mình?
Cũng vì thế, suy đoán rằng thủ phạm vụ đánh bom ở Ankara là quân đội người Kurd có lẽ cũng không hợp lý, tay bút này tiếp tục nhận định.
Hình ảnh vụ đánh bom tại Ankara thứ 4 vừa qua. Ảnh: STR/EPA
Lực lượng YPG gần đây đã chiếm được nhiều sự ủng hộ của giới truyền thông quốc tế nhờ những thành quả trong cuộc chiến chống lại IS cũng như nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo ở phía bắc Syria, bao gồm Jabhat al Nusra và Ahrar al Shams.
Chiến đấu bên cạnh máy bay Nga và quân đội Syria, YPG đã giành quyền kiểm soát nhiều làng và thị trấn chủ chốt ở phía bắc Aleppo.
Tuần này, các chiến binh người Kurd dần tiến tới bao vây thành trì của các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Azaz, một thị trấn thuộc vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến đường tiếp tế chính cho các nhóm nổi dậy được cho là do MIT đứng sau.
Còn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang vô cùng tức giận về việc Washington ủng hộ quân đội người Kurd ở Syria.
Tuần này, Tổng thống Erdogan đã nhiều lần gửi tối hậu thư đến Tổng thống Mỹ Obama, yêu cầu "hỗ trợ chúng tôi, chứ không phải bọn khủng bố" - ám chỉ YPG.
Phia Ankara lo ngại rằng quân đội người Kurd tại Syria sau khi được ủng hộ sẽ dần dần tách ra thành một nhà nước riêng cùng người đồng minh của mình là tổ chức PKK ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong trận chiến ngầm đòi thay đổi chính quyền này, có lẽ chính phủ Syria cũng có lý khi cho rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh bom tại biên giới hòng hỗ trợ che đậy tài sản của các nhóm Hồi giáo cực đoan trước đòn tấn công của không quân Nga, quân đội Syria và YPG.
Cùng lúc đó, Ankara đang phải hứng chịu chỉ trích nặng nề từ Liên Hợp Quốc, Washington, Paris do nã pháo xuyên biên giới, một hành động có thể được cho là vi phạm chủ quyền.
Theo ông Cunningham, trong tình cảnh này, hành động tấn công khủng bố tại thủ đô Ankara có vẻ không sáng suốt lắm đối với YPG cũng như đồng minh người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu tham gia vào vụ thảm sát đó, người Kurd thực sự đang phung phí sự ủng hộ quý giá về mặt chính trị của quốc tế.
Tuy nhiên, việc gắn YPG với vụ khủng bố này lại hoàn toàn có lợi cho Tổng thống Erdogan.
Ai mới thực sự là thủ phạm?
Kế hoạch tinh vi, ngay giữa trung tâm Ankara, với một sự tính toán thời gian chính xác tuyệt đối, tất cả các yếu tố đều chỉ tới một cơ quan quân đội quốc gia. Nói tóm lại, đây chỉ là một vụ tấn công giả mạo, tay bút kỳ cựu nhận định.
Các hệ quả về mặt chính trị sẽ đem lại ưu thế cho Tổng thống Erdogan. Vụ việc này củng cố cáo buộc của ông về việc quân đội người Kurd là "khủng bố", không xứng đáng được Washington ủng hộ.
Đồng thời, nó cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Syria, kêu gọi xây dựng vùng cấm bay, và thu hút sự ủng hộ của Obama về việc đưa quân sang Syria.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý về toàn cảnh sự việc. Thổ Nhĩ Kỳ muốn sang Syria không phải để đánh khủng bố như từng khẳng định, mà để giúp đỡ "những người anh em" bí mật trong số các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Điều này chắc chắn sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO vào cuộc đối đầu trực tiếp với quân đội Syria và Nga.
Nhưng, liệu Mỹ có thực sự muốn tham gia vào cuộc chiến này không? - Nhà báo Cunningham đặt câu hỏi.