Các nông dân trên đến từ tỉnh Thiểm Tây và Sơn Đông. Họ giả làm các quan chức quân đội cấp cao, lừa đảo chiếm đoạt 34 triệu nhân dân tệ (khoảng 5,5 triệu USD) từ 19 công ty xây dựng thông qua “dự án quân sự bí mật” giả. Theo đó, Trương Kiệt, Trương Tiểu Toàn và Thiếu Thôn Lý lần lượt mạo danh là thứ trưởng quốc phòng, thượng tá và tướng trong PLA.
Cả 3 nói với chủ sở hữu các doanh nghiệp rằng nếu họ chịu bỏ ra một khoản phí thì sẽ thắng thầu trong dự án xây dựng 6 “cơ sở giáo dục quốc phòng ven biển” mà Trung Quốc đang xây dựng ở ven biển Liêu Ninh và Quảng Tây.
Các chủ doanh nghiệp đã đưa một khoản phí “bí mật” từ hàng chục ngàn đến hàng triệu nhân dân tệ để trở thành nhà thầu phụ cho “dự án hàng trăm triệu nhân dân tệ”, tờ Tin tức Bắc Kinh đưa tin. Nhóm người này sử dụng một văn phòng cho thuê ở thành phố Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông làm “Sở chỉ huy của dự án quốc phòng ven biển”.
Họ tuyên bố văn phòng này là một bộ phận quân sự chính thức phụ trách xây dựng “dự án quân sự bí mật”. Ở Trung Quốc, cơ cấu và nhân sự của nhiều cơ quan quân đội, quốc phòng không được công khai. PLA cũng khá nổi danh về những dự án xây dựng bí mật.
Các nạn nhân tin 3 người đàn ông trên là quan chức sau khi họ trình ra những tài liệu chính phủ chính xác và được tới thăm “văn phòng đại diện”, nơi mà “đội ngũ nhân viên” mặc quân phục và cư xử như những binh lính. Cảnh sát bắt giữ 3 kẻ tình nghi và đột kích vào “tổng hành dinh” của nhóm người này.
Theo Tin tức Bắc Kinh, các nghi phạm thực hiện mưu đồ này sau khi đã từng trở thành nạn nhân của một vụ việc tương tự vài năm trước. Khi đó, họ bị những người giả làm quan chức chính phủ lừa hàng chục ngàn nhân dân tệ. Thế nhưng, thay vì báo cảnh sát, họ lại bắt chước mánh khóe này để đi lừa người khác.
Giả danh người nhà binh lừa tiền dân
Đây không phải lần đầu xảy ra trường hợp các doanh nghiệp, người dân Trung Quốc bị nhiều kẻ bịp “diễn” vai sĩ quan quân đội hoặc công an để lừa tiền, tình…
Trước đó, ngày 10/7, theo nhật báo Kiểm sát của Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc, tên Dong Xianwei, 59 tuổi, bị bắt ở Bắc Kinh. Hắn làm giả giấy tờ để “khè” là một thượng tá của đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố Báo Tuyết của Lực lượng Công an nhân dân vũ trang Trung Quốc (PAP).
Các nạn nhân bị Dong dụ đưa tiền để hắn “chung chi” khi hắn “nói giúp” người thân của nạn nhân được trúng tuyển vào trường sĩ quan, thuyên chuyển công tác hoặc có chân công chức ở các cơ quan công quyền. Trong 10 năm, hắn lừa được nhiều người với tổng số tiền 4 triệu Nhân dân tệ (645.000 USD).
Ảnh: đạo cụ để bọn lừa bịp giả làm sĩ quan quân đội, công an
Bọn lừa đảo như Dong thường thủ sẵn các thẻ quân nhân, thẻ công an hoặc giấy chứng nhận có dán ảnh chúng, kẻ tự nhận có chức tước này nọ ở các cơ quan “ma” thì phải chuẩn bị kỹ hơn.
Ví dụ nhà nông Chen Guanghua cũng “hóa thân” thành chỉ huy của một tổ chức Liên Hiệp Quốc từ năm 2007 đến năm 2014. Chen lên mạng đăng thông báo giả tuyển nhân viên làm việc cho LHQ, thu 1.000 NDT (160 USD) đối với mỗi bộ hồ sơ. Khoảng 100 người đã dính bẫy lừa của hắn.
Liu Dan, một kiểm sát viên ở Bắc Kinh cho biết trong năm qua, ông phải xử lý hàng chục vụ “sĩ quan giả danh” để lừa tiền, và có gần 100 nạn nhân làm đơn tố giác bị “sĩ quan” lừa từ hàng chục ngàn đến hàng triệu NDT.
Ông dẫn vụ tên Han Xiao thì giả là một trung tá thuộc lực lượng Báo Tuyết, gạ tình nhiều phụ nữ và dụ dỗ họ đưa tổng cộng 100.000 NDT (16.0000 USD) với lý do hắn mua vé máy bay để đi “học nâng cao nghiệp vụ ở Đức”, hoặc vịn các lý do khác. Sau khi nhận tiền, Han “quất ngựa truy phong”.
Ông nói bọn lừa đảo lợi dụng lòng tin vào quân đội của người dân để chúng lừa đảo. Và chúng thường chỉ “diễn” là thủ phó của các đơn vị, vì các vị trí này không có nhiều thông tin công khai trên mạng internet, so với thông tin về thủ trưởng các đơn vị ấy.