Trung Quốc mang “nắm đấm sắt bọc nhung” đến Shangri-La

Sau 12 kỳ Đối thoại Shangri-la, lần đầu tiên Trung Quốc cử các quan chức ngoại giao tới dự diễn đàn.

Phiên khai mạc diễn đàn Đối thoại Shangri-La diễn ra vào sáng 31.5, và được tiếp nối với các phiên họp toàn thể về nhiều chủ đề, từ “Quản lý những căng thẳng chiến lược”, “Thách thức trong việc duy trì và quản lý đại dương”, “Tác động của những khả năng quân sự mới tại Thái Bình Dương”. Song chủ đề quan trọng phủ bóng xuống chương trình nghị sự tại Shangri-La là “ASEAN và trật tự an ninh khu vực đang nổi lên”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp về “Quản lý những căng thẳng chiến lược”. Ngoài việc tham dự các sự kiện chính thức trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có một loạt các cuộc gặp song phương quan trọng với Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore và đại diện tập đoàn vũ khí hàng đầu thế giới Lockheed Martin trong ngày 30.5. Ngày 31.5, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ có các cuộc gặp song phương với 3 đồng nhiệm gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, và Bộ trưởng Quốc phòng Anh. Dự kiến ngày 1.6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Australia.

Diễn đàn Shangri-La 2014 sẽ có khoảng 400 chuyên gia và quan chức quốc phòng đến từ 27 nước tham dự, diễn ra vào đúng thời điểm Trung Quốc đang có hành động gây hấn trên Biển Đông với Philippines và Việt Nam. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng đứng trước thách thức do tranh chấp tại biển Hoa Đông.

“Bàn tay sắt bọc nhung”

Việc Trung Quốc đưa bà Phó Oánh (Fu Ying) - cựu Thứ trưởng ngoại giao, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, vốn nổi tiếng là người có quan điểm cứng rắn - dẫn đầu phái đoàn nước này đến Đối thoại Shangri-La được trang mạng uy tín The Diplomat miêu tả với hình ảnh “bàn tay sắt bọc nhung”.

Sau 12 kỳ Đối thoại Shangri-la, lần đầu tiên Trung Quốc cử các quan chức ngoại giao tới dự diễn đàn. Về phía quân đội Trung Quốc, đoàn do Phó Tổng tham mưu trưởng Vương Quán Trung dẫn đầu.

Dư luận nhìn nhận, việc Trung Quốc chuyển từ thái độ quan sát thụ động, sang tham dự tích cực tại Shangri-la 2014, là nhằm bao biện cho những chính sách gây hấn mà nước này đang thực thi. Theo tờ The Diplomat, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam đã một lần nữa khuấy đảo căng thẳng tại Biển Đông. Động thái này được nhiều nhà bình luận xem như minh chứng mới nhất cho sự gây hấn của Trung Quốc tại khu vực.

Trong tranh chấp đảo Scarborough với Philippines hồi năm 2012, bà Phó Oánh là người đã lên giọng “dạy dỗ” Philippines rằng “không nên nhận định sai tình hình” và “đừng leo thang căng thẳng mà không xem xét hậu quả”. Bà Phó Oánh cũng là người lớn tiếng chỉ trích quá khứ quân phiệt của Nhật Bản vào đầu năm nay, và rằng “chính quyền Nhật đã không biết sửa lỗi”.

Mỹ cảnh báo hành động hiếu chiến của Trung Quốc

Theo hãng thông tấn Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ đưa ra lời cảnh báo hành động hiếu chiến của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ cũng đã nhiều lần khẳng định có “quyền lợi rất lớn” trong việc giữ cho các tuyến hàng hải tự do giao thương trong khu vực Châu Á. Ông Hagel cũng cho biết, đã lên kế hoạch thảo luận “một số điểm chuyên biệt” về tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại biển Đông; Trung Quốc đã đi quá đà khi đưa ra những thách thức và căng thẳng mới trong khu vực.

Ngay trong bài phát biểu khai mạc dẫn đề Đối thoại Shangri-La tối 30.5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe - khách mời đặc biệt tại diễn đàn - đã đề cập trực diện các thách thức an ninh của khu vực, trong suốt một năm qua do những hành động xâm lấn lãnh hải ngang ngược của Trung Quốc. Ông Abe kỳ vọng thúc đẩy vai trò lớn hơn của Nhật Bản trong các vấn đề an ninh Châu Á tại diễn đàn Shangri-La, hay nói đúng hơn là “bên đối trọng” với Trung Quốc. Động thái này được cho là khiến Trung Quốc nổi giận. Trong bài phát biểu, ông Abe đề cập một viễn cảnh, trong đó, Nhật và đồng minh Mỹ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác an ninh tại Châu Á.

Hãng tin Kyodo cho biết, Thủ tướng Abe hối thúc Trung Quốc tôn trọng luật pháp, khi mà nhiều quốc gia trong khu vực bị ám ảnh bởi việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang “vui thích” thể hiện sức mạnh của mình. Theo phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Abe sẽ kêu gọi xúc tiến “các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về hòa bình và an toàn của Châu Á”. “Các tình huống leo thang tại Biển Đông và biển Hoa Đông khiến điều này trở nên vô cùng quan trọng” - ông Suga nói.

Trước khi lên đường đến Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bình luận: “Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông thông qua việc sử dụng vũ lực. Chúng tôi sẽ làm việc với các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để khẳng định rằng, các quy định của pháp luật cần phải được tôn trọng”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại