Theo Malaya, Trung Quốc rất có thể áp dụng chiến thuật tương tự như trên Scarborough Shoal (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) lên Bãi Cỏ Mây (thuộc Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng và Trung Quốc cũng đòi chủ quyền).
Tướng Trương Triệu Trung của Lực lượng Không quân Trung Quốc khoe khoang với truyền thông nước này về việc làm cách nào quân đội Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát Scarborough/ Hoàng Nham.
Ông này cho biết nước này đang dùng “chiến lược cải bắp” nhiều lớp và biến hòn đảo (Scarborough/Hoàng Nham) chỉ cách tỉnh Zambales của Philippines 200km trở thành một ngư trường của riêng ngư dân Trung Quốc.
Thậm chí vị tướng này còn lớn tiếng tuyên bố chiến thuật này có thể được áp dụng đối với các hòn đảo khác đang bị Philippines chiếm đóng.
Bài phỏng vấn trên truyền hình gần đây của ông Trương tại Bắc Kinh đã được đăng tải đầy đủ trên trang tin tức China Daily Mail vào hôm thứ ba, 28/5.
Theo Malaya, Trung Quốc thực sự nắm quyền kiểm soát trên Scarborough/ Hoàng Nham, nơi Mỹ sử dụng làm nơi diễn tập ném bom khi Mỹ còn đặt căn cứ quân sự ở Philippines.
Tháng 4 năm ngoái, căng thẳng nổi lên khi một tàu hải quân Philippines tiếp cận tàu cá Trung Quốc khi tàu này đang khai thác trai khổng lồ, rùa và san hô ở gần nơi này.
Tàu hải quân Philippines có tên BRP Gregorio del Pilar, sau đó đã được thay thế bằng một chiếc tàu Cảnh sát biển và tàu của Cục Thủy sản và Tài nguyên Biển. Tuy nhiên, hai tàu này đã phải rút lui vì thời tiết khắc nghiệt, để lại Trung Quốc kiểm soát Scarborough/Hoàng Nham.
“Kể từ đó, chúng tôi bắt đầu có các biện pháp vây chặn và kiểm soát khu vực xung quanh Scarborough/Hoàng Nham, việc chặn và kiểm soát được thực hiện liên tục cho đến nay”, tướng Trương nói.
“Đã hơn một năm kể từ lúc đó, ngư dân của chúng tôi thường xuyên đánh bắt ở đây vì khu vực này có rất nhiều cá. Ngư dân đến khu vực này bằng tàu lớn sau đó dùng thuyền nhỏ đi vào vịnh để đánh bắt cá. Họ cũng có nơi trú ẩn trong vịnh khi có bão lớn”, ông nói thêm.
Các quan chức quốc phòng Trung Quốc cũng thừa nhận rằng Trung Quốc đã dàn phao ra vùng nước nông, nơi các nhà chức trách Philippines đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ động thái của Trung Quốc trong khi chờ giải quyết tranh chấp.
Chiến lược cải bắp
Lý giải về chiến lược cải bắp, ông Trương cho biết: đầu tiên cho tầu cá xâm nhập, vòng thứ 2 là các tàu Hải giám, Ngư chính tuần tra, giám sát, hộ tống, vòng thứ 3 là các tàu hải quân.
Bằng cách này, các tàu của Philippines sẽ phải “xin phép” hải quân Trung Quốc và cơ quan quản lý ngư nghiệp nếu họ muốn đi vào phần ngoài cùng của bãi đã ngầm mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc.
Thậm chí, ông Trương còn thẳng thừng tuyên bố chiến lược này có thể được áp dụng ở các nơi khác mà không cần phải sử đụng đến chiến tranh, và chỉ cần “thời điểm thích hợp để áp dụng” mà thôi.
Ông Trương nói thêm: “Đối với những hòn đảo nhỏ, chỉ có vài binh lính của các nước đóng quân trên đó, không có thức ăn, thậm chí là nước uống. Nếu chúng ta thực hiện chiến lược cải bắp, họ sẽ không thể gửi được thực phẩm và nước uống lên các đảo. Nếu không được cung cấp thực phẩm trong một đến hai tuần, các binh sỹ sẽ tự rời khỏi đảo. Một khi rời đi, họ sẽ không bao giờ có thể trở lại”.
Căng thẳng mới nhất diễn ra khi Trung Quốc kéo hơn 30 tàu cá ra Trường Sa. Các tàu cá này được hộ tống bởi một tàu khu trục, hai tàu hải giám lần cuối cùng được nhìn thấy vào 8/5.
Tàu Hải quân Philippines thường xuyên đến Bãi Cỏ Mây để cung cấp lương thực thực phẩm cho những người lính đang đóng quân tại tàu chiến BRP Sierra Madre, tàu bị mắc cạn ở nơi này kể từ năm 1999.
Philippines lo ngại rằng các tàu Trung Quốc có thể ngăn chặn nguồn cung cấp lương thực cho hàng chục lính thủy quân lục chiến Philippines tại con tàu mắc cạn này.
Ông Ian Storey, một học giả tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho biết, căng thẳng thứ hai trên Bãi Cỏ Mây có thể nguy hiểm hơn cả trên Scarborough/ Hoàng Nham với sự hiện diện của quân đội Philippines.
“Thật khó tể tưởng tượng việc Trung Quốc có thể dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát trên Bãi Cỏ mây nhưng việc phong tỏa, ngăn không cho quân đội Philippines vào khu vực là có khả năng. Leo thang căng thẳng hay tính toán sai lầm rất dễ xảy ra”, ông Storey nhận định.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Storey, Bãi Cỏ Mây là điểm nóng trên Biển Đông, Mỹ rất có thể sẽ can thiệp để bảo vệ đồng minh ở khu vực Đông Nam Á này.