"Trung Quốc không thể khăng khăng theo đuổi mong muốn đơn phương"

Ông Ernest Bower nhận định: "Nếu Trung Quốc khăng khăng áp đặt ý chí của mình bất chấp các nước láng giềng sẽ dẫn tới xung đột và tác động xấu tới an ninh của chính Trung Quốc”.

Ông Ernest Bower, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ) nhận định: "Điều đáng ngại là Trung Quốc đã tiến tới một mức mà họ nói về mình như thể là nạn nhân, trong khi họ tiến hành ngày càng nhiều hành động đơn phương, hung hăng, để cố gắng tạo ra những hiện trạng mới trên biển và trên đảo. Những hành động của Trung Quốc gây nên mối lo ngại thực tế và dễ hiểu ở các nước lân cận. Khi các nước hiểu ý đồ của Trung Quốc và tìm cách tự bảo vệ một cách chính đáng khỏi vị láng giềng to lớn này thì Trung Quốc lại phàn nàn. Kiểu cư xử này đang tồn tại trong một thời gian dài và đang làm giảm uy tín của Bắc Kinh. Cuối cùng thì Trung Quốc sẽ phải đưa ra quyết định: Hoặc là tuân theo luật pháp và các quy tắc quốc tế, hợp tác với các nước láng giềng để thúc đẩy an ninh năng lượng của nước này; hoặc là theo đuổi con đường dẫn đến xung đột.

Nếu Trung Quốc khăng khăng theo đuổi mong muốn của mình, bất chấp mối quan hệ với các nước xung quanh thì Trung Quốc sẽ không được tin cậy nữa. Và chúng ta sẽ thấy một viễn cảnh xung đột giữa Trung Quốc với các nước khác ở châu Á- Thái Bình Dương. Điều đó không ích lợi gì cho Trung Quốc, vì thế tôi tin rằng Trung Quốc sẽ tìm ra cách để trở thành một cường quốc mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới bằng cách cùng với các nước tuân thủ nguyên tắc và pháp luật. Trung Quốc sẽ tự gây hại cho an ninh quốc gia của chính họ nếu cứ đi theo những con đường tiêu cực khác".

Về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Shangri-La, ông Ernest Bower nói: Bộ trưởng Thanh đã có một bài phát biểu rất mạnh mẽ và đầy can đảm. Ông ấy đã nói ra những điều cần phải nói về thực tế trên Biển Đông cho dù Bắc Kinh sẽ không thích thú gì. Bài phát biểu của Bộ trưởng Thanh rất quan trọng, nó sẽ khuyến khích các đối tác khác ở ASEAN chia sẻ quan điểm một cách thẳng thắn nhằm thuyết phục Trung Quốc cùng hợp tác để thảo nên bộ Quy tắc ràng buộc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN, để rồi các bên cùng tuân thủ.

Ông Jayadeva Ranade, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Phân tích và Chiến lược (CCAS) của Ấn Độ, nhận định: Với việc triển khai giàn khoan dầu Hải Dương 981 trị giá 1 tỷ USD, Trung Quốc đã chọn cách làm leo thang mạnh mẽ căng thẳng trong khu vực. Việc 81 tàu có vũ trang của Trung Quốc hộ tống giàn khoan cũng truyền đi một thông điệp hoàn toàn không thể nhầm lẫn tới tất cả các nước trong khu vực rằng Bắc Kinh nhất quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nếu cần thiết bằng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Theo ông Jayadeva Ranade, với vị thế và sức mạnh của Trung Quốc, các nước khác trong khu vực xem ra không có nhiều giải pháp ngoài việc phải phối hợp với nhau nhằm bảo đảm rằng các tuyến hàng hải quốc tế và thương mại trên biển phải được tự do thông thương. Họ cũng có thể hợp tác để cố gắng bảo đảm rằng các vùng lãnh thổ có tranh chấp, dù trên đất liền hay trên biển đều không được giải quyết bằng vũ lực. Điều này sẽ chỉ có thể nếu tất cả các nước trong khu vực quyết định cùng nhau thảo luận vấn đề với Bắc Kinh và thành lập một lực lượng bảo vệ bờ biển chung.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại