Theo Thời báo Hoàn Cầu, hôm 22/1, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Cục trưởng Công an Bắc Kinh Phó Chính Hoa tiết lộ, trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát-xít, Bắc Kinh sẽ tổ chức duyệt binh.
Theo Hoàn Cầu, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc mời nguyên thủ nước ngoài tham dự nghi thức duyệt binh của họ.
Trước đó, Trung Quốc từng tuyên bố lãnh đạo Nga - Trung sẽ tham gia hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít của nhau. Vì vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại Bắc Kinh trong hoạt động sắp tới của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức duyệt binh quy mô lớn trong dịp "không phải Quốc khánh", kể từ khi nước này thành lập năm 1949.
Sự kiện lần này do đó "mang ý nghĩa chính trị cao" - Hoàn Cầu đánh giá.
Trung Quốc hy vọng Putin sẽ là khách đặc biệt trong lễ duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng Phát-xít năm nay
Khuếch trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc
Theo Hoàn Cầu, sức mạnh quân sự là "quyền lực cứng" đằng sau sức cạnh tranh của Trung Quốc hiện đại.
Tờ báo này nhận định, tất cả các mối quan hệ quốc tế, cạnh tranh kinh tế... đều quy về vấn đề so sánh thực lực quân sự.
Theo đó, cục diện quốc tế đã bước vào "vùng nước sâu", không gian để thỏa hiệp và thương lượng giữa các quốc gia lớn ngày càng thu hẹp.
Ví dụ, Nga - Mỹ đối đầu quanh vấn đề khủng hoảng Ukraine, hay các nước không khoan nhượng trong vấn đề tiền tệ...
Hoàn Cầu huênh hoang rằng, trong vai trò "là một trong những quốc gia chủ chốt trên bàn cờ quốc tế", đã đến lúc Bắc Kinh thể hiện cho thế giới thấy sức mạnh quân sự thực của mình.
Hoàn Cầu "tự tin" cho rằng, với thực lực quân sự "cứng", Bắc Kinh sẽ trở thành chỗ dựa chống lưng cho các nước đồng minh... yên tâm "đi theo".
Do vậy, tờ báo này đánh giá cuộc duyệt binh sắp tới của Trung Quốc "có ý nghĩa phi thường".
Trung Quốc sẽ "khoe" sức mạnh quân sự thực để "nắn gân" Nhật - Mỹ. Ảnh: THX.
Nhật Bản là "mục tiêu trực diện"
Bài xã luận của Hoàn Cầu cho rằng, những năm gần đây, nhờ chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, Nhật Bản "ngày càng ngông cuồng".
Hoàn Cầu "tố" Nhật quốc hữu hóa đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung - Nhật cùng tuyên bố chủ quyền và cáo buộc nước này "đang bước theo chủ nghĩa quân phiệt".
Hoàn Cầu cũng chỉ trích thái độ của Mỹ "luôn im lặng và ủng hộ Nhật Bản", góp phần giúp Nhật gỡ bỏ quyền tự vệ tập thể, và dự đoán Nhật sẽ tiến thêm một bước thay đổi Hiến pháp hòa bình.
Bài xã luận trên cáo buộc, Nhật Bản "âm mưu lật ngược trật tự thế giới hậu Thế chiến 2, thay đổi vị thế nước chiến bại".
Qua đó, Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh cuộc duyệt binh của Bắc Kinh có ý nghĩa "tấn công" trực diện vào Nhật Bản, khiến nước này "hiểu rằng Trung Quốc không cho phép thay đổi trật tự hậu chiến".