Trung Quốc có ý đồ gì khi thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải Quốc tế?

Hồng Chuyên (thực hiện) |

Mới đây, hãng thông tấn Tân Hoa Xã loan tin Tòa án Tối cao Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế (International Maritime Judicial Center). Việc này thể hiện một toan tính của Trung Quốc mà cộng đồng quốc tế cần chú ý.

Động thái này diễn ra vào thời điểm căng thẳng ở Biển Đông đang nóng lên, khi Trung Quốc đang có những toan tính nguy hiểm về vấn đề Biển Đông.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ý đồ của Trung Quốc trong việc thành lập trung tâm này, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ về vấn đề này.

Thưa ông, thông tin từ Tân Hoa xã, Toà án Tối cao TQ đã thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế. Theo ông, cần hiểu thế nào về Trung tâm này?

Như chúng ta được biết, Tân Hoa Xã đưa tin, Reuters đưa lại, về tuyên bố này. Một số phương tiện thông tin của chúng ta cũng đã đưa lại, tuy còn nhầm lẫn trong tên gọi này. Do đó, có thể có những hiểu biết sai, nội dung bản chất vấn đề.

Trước hết, theo thông tin từ Tân Hoa xã và được khẳng định bởi phương tiện truyền thông phương Tây, Trung tâm mà Trung Quốc tuyên bố thành lập có tên gọi là Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế (international maritime judicial center).

Chúng ta phải hiểu rằng, đây là một trong mắt xích trong cơ cấu tổ chức của hệ thống tòa án của Trung Quốc, gồm tòa án, Viện kiểm sát. Nằm trong hệ thống Tòa án tối cao, có nghĩa là các cơ quan xét xử các vụ án mà xảy ra trong lãnh thổ TQ.

Vấn đề đặt ra là trung tâm này bao giờ hoạt động, phạm vi hoạt động, thẩm quyền của Trung tâm này đến đâu, vị trí trung tâm này đặt ở đâu, hiện nay chưa được rõ.

Về mặt nguyên tắc, bất cứ quốc gia nào có biển hoặc không có biển đều có quyền thay đổi tổ chức về mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng, đó là Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế được thiết lập trong thời kỳ này.

Như chúng ta đã biết, gần đây Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các hoạt động như quân sự hóa, hành chính hóa, đưa vũ khí xuống các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam, bồi đắp đảo chìm thành đảo nhân tạo....

Có thể nói, việc thiết lập cơ quan hành chính như thành phố Tam Sa để họ quản lý quần đảo, mà Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền.

Đây là hành động hành chính hóa khu vực mà họ giành giật, xâm chiếm của Việt Nam và các nước khác. Việc thành lập trung tâm này cũng nằm trong một chuỗi các hành động của Trung Quốc.

Vậy ý đồ của Trung Quốc khi thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế để làm gì?

Phải chăng, với động thái này, Trung Quốc đã thiết lập trung tâm này với tư cách là một bộ máy, một cơ quan, và để hoàn thiện hơn nữa năng lực, quyền lực quản lý khu vực biển đảo mà Trung Quốc đã cho rằng đó là của mình một cách bất hợp pháp.

Có lẽ Trung Quốc đã tính đến phương án đó. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc đẩy mạnh rất nhiều hoạt động. Trong đó, người ta rất quan ngại về việc Trung Quốc sẽ tiến hành mọi hoạt động cần thiết để thực hiện được việc khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông.

Vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải là một trong những hoạt động mấu chốt, chủ yếu của khu vực này.

Việc ra đời trung tâm này chính là việc Trung Quốc sẽ tìm cách giành lấy quyền xét xử, ra các phán quyết có liên quan đến hoạt động hàng hải đi qua khu vực Biển Đông, nơi mà họ nói rằng họ có chủ quyền.

Từ đó, các hoạt động của cá nhân, pháp nhân Trung Quốc sẽ triển khai mạnh mẽ ở khu vực này. Trong đó, có hoạt động đi lại, như sáng kiến con đường tơ lụa của Trung Quốc. Rồi, việc Trung Quốc đưa hàng vạn con tàu cá xuống Biển Đông, hoạt động, tổ chức thăm dò khai thác dầu khí…

Theo tôi, trung tâm này có thể sẽ đảm nhận về mặt tư pháp, giành quyền xử lý những vụ đụng độ, tranh chấp xảy ra. Đó là một ý định của Trung Quốc tính toán hết sức nguy hiểm. Chúng ta phải lưu ý và nắm thật chắc diễn biến của họ.

Vậy ngoài ý đồ sẽ tư pháp hóa Biển Đông như ông nói, Trung Quốc thành lập trung tâm này con vì mục đích nào khác, thưa ông?

Có thông tin nói rằng, Trung Quốc đang muốn rút khỏi Công ước luật Biển năm 1982. Nếu vậy thì, phải chăng đây là cơ cấu, tổ chức cơ quan tài phán mà Trung Quốc muốn thay thế cho hệ thống được Liên hiệp quốc tổ chức ra?

Có thể đây là hành động quay lưng lại, tẩy chay các cơ quan tài phán của quốc tế chăng?

Điều này cũng cho thấy sắp tới Trung Quốc sẽ làm gì, hành xử thế nào trong thời điểm hiện nay. Và họ sẽ thể hiện động thái xem thường quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982.

Tất nhiên, chúng ta cần phải theo dõi kỹ, lúc nào thì trung tâm này bắt đầu hoạt động. Đây có thể nói là tín hiệu có thật, chứ không phải “đòn gió” nữa. Vấn đề là thời điểm nào, vị trí trung tâm này đặt ở đâu.

Chúng ta cần phải theo dõi thêm, khi mà biết được chắc chắn, liên quan đến những điều như tôi đã nói, thì chúng ta cần phải lên tiếng cần phải thông tin một cách rộng rãi, chuẩn xác về động thái này.

Vì thực tế, trong chúng ta cũng có nhiều hiểu biết khác nhau về vấn đề này.

Theo ông, việc thành lập trung tâm này có ảnh hưởng gì đến tự do hàng hải quốc tế?

Đứng về mặt tư pháp, đây là một tổ chức kiểu như tòa án xét xử tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực hàng hải quốc tế. Vấn đề này, Trung Quốc đang muốn giành lại vai trò của các tổ chức Quốc tế có liên quan trong việc thương thuyền hàng hải đi lại trên biển.

Điều này trước đây đã có các tổ chức hàng hải quốc tế, công ước luật biển, tổ chức Liên hợp quốc.

Rõ ràng, Trung Quốc cho thấy ý đồ của họ muốn xử lý các quan hệ hàng hải theo chủ trương của Trung Quốc chứ không tuân thủ theo quy định của luật pháp quốc tế. Trong đó, có thể có cả những tranh chấp liên quan đến lãnh thổ và vùng biển theo yêu sách vô lý cả họ.

Đấy là câu chuyện mà chúng ta có thể thấy, nó có thể vi phạm quyền và lợi ích của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, trên phương diện pháp lý, trên phương diện pháp luật.

Đây cũng là một trong những bước đi với ý đồ độc chiếm Biển Đông mà chúng ta đã phân tích từ trước tới nay.

Vậy với những toan tính nguy hiểm như thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế và toan tính rời khỏi Công ước luật biển năm 1982, cộng đồng cần lên tiếng như thế nào?

Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị có bước đi về mặt tư pháp trên Biển Đông.

Và như tôi phân tích ở trên, có thể thấy Trung Quốc đang dự tính rút khỏi Công ước Luật Biển 1982, rút khỏi quy ước đã được hình thành từ trước đến nay của cộng đồng quốc tế để họ hành xử theo cái cách của họ, theo cách mà họ áp đặt.

Như vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy nguy cơ các quy định luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982 sẽ bị ảnh hưởng.

Theo tôi, trước khi Trung Quốc chính thức rút khỏi Công ước Luật biển 1982 thì các nước liên quan vấn đề Biển Đông cần phải nhanh chóng hơn nữa trong việc dùng các biện pháp pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại