Trung Quốc chi 81 tỉ USD nắn sông từ nam lên bắc

Theo Tân Hoa xã ngày 11.6, một phần nước của sông Dương Tử dài nhất Trung Quốc, và dài thứ ba thế giới, sẽ chảy vào hồ chứa Dutan ở tỉnh Sơn Đông trong vòng 72 giờ tới, theo đề án nắn sông từ nam lên bắc trị giá 81 tỉ USD, được Chính phủ Trung Quốc phê duyệt năm 2002.


	Sông Dương Tử

Sông Dương Tử

Lợi kinh tế, hại môi trường

Tân Hoa xã cho rằng, đây là thành công đáng kể của giai đoạn đầu xây dựng tuyến kênh phía đông thuộc dự án tham vọng trên. Dự kiến, mỗi năm khoảng 1,5 triệu mét khối nước từ sông Dương Tử sẽ được chuyển dòng đến Sơn Đông, sau khi hoàn tất giai đoạn đầu của dự án.

Theo đề án, kế hoạch nắn sông sẽ giúp chuyển 44,8 tỉ mét khối nước hằng năm từ sông Dương Tử qua các tuyến kênh miền đông, miền trung và miền tây. Theo đó, phần dòng chảy những sông lớn trên châu lục Á - Âu như Dương Tử, Hoài Hà, Hoàng Hà và Hải Hà được Trung Quốc nắn chuyển lên phía bắc, nhằm giảm tình trạng khô hạn tại đây vào năm 2050. Việc xây dựng các kênh tuyến miền đông dài 1.467km bắt đầu từ tháng 12.2002, dự kiến sẽ cung cấp nước cho miền bắc Trung Quốc vào cuối năm 2013.

Tuy nhiên, dự án tham vọng của Trung Quốc đã gây lo ngại trên toàn cầu về thực trạng sử dụng đất, gây ra biến đổi khí hậu tiềm tàng tại khu vực, hủy hoại môi trường, tác động xấu đến nông nghiệp và đời sống người dân. Dự án khiến 180.000 người dân tại Hồ Bắc, 160.000 người tại Hà Nam đã phải rời bỏ nhà cửa.

Đây là dự án tái định cư lớn thứ hai của Trung Quốc sau đập Tam Hiệp (dự kiến sẽ di dời 1,27 triệu người trong vòng 17 năm). Người di cư, chủ yếu là nông dân nghèo, chuyển đến hơn 600 ngôi làng do chính phủ xây dựng ở hai tỉnh trên.

Ai Cập lo “an ninh nước”

Nỗi lo “an ninh nước” đã khiến Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi hôm 10.6 tuyên bố “để ngỏ mọi biện pháp đối phó” nhằm xử lý bất cứ đe dọa nào mà con đập do nước láng giềng Ethiopia xây trên sông Nile có thể gây ra đối với nguồn cấp nước cho Ai Cập.

Dù tuyên bố “không kêu gọi chiến tranh”, song ông Morsi cảnh báo, sẽ không cho phép nguồn cung cấp nước của Ai Cập bị nguy hiểm. Ai Cập đã hết sức ngạc nhiên khi Ethiopia tuyên bố bắt đầu chuyển hướng dòng Nile Xanh hồi tháng trước trong kế hoạch xây dựng một con đập thủy điện tại đây.

Dòng Nile Xanh được xem là “bầu sữa” cho Ai Cập. Ethiopia cho biết, đập Phục hưng Đại Ethiopia trị giá 4,7 tỉ USD, sẽ cung cấp cho nước này 6.000 megawatt điện sau khi hoàn thành. Dù dòng Nile Xanh sẽ nắn dòng nhẹ, nhưng vẫn có thể duy trì dòng chảy tự nhiên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ông Morsi có thể sử dụng vấn đề này nhằm làm xao lãng sự chú ý của người dân đối với các thách thức kinh tế và chính trị hiện nay. Ai Cập và Sudan phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nước từ sông Nile.

Ông Morsi cho biết, Ai Cập không phản đối các dự án phát triển tại những quốc gia lòng chảo sông Nile, nhưng “với điều kiện các dự án đó không được ảnh hưởng, hay phá hủy các quyền lịch sử và pháp lý của Ai Cập”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại