Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trên Biển Đông một lần nữa lại đưa các quốc gia trong khu vực vào một cuộc đối đầu trực tiếp. Tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc trên khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên này chính là trung tâm của những cuộc tranh cãi nảy lửa.
Những năm gần đây, các bên có tranh chấp trong đó có Trung Quốc hành động kiên quyết hơn để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ đã làm tăng nguy cơ xung đột mới, gây bất ổn khu vực.
Tuy nhiên, sự ổn định khu vực là điều quan trọng để duy trì sự phát triển của kinh tế Trung Quốc và khu vực. Trong thời đại của những bất ổn trên thế giới và những thách thức an ninh toàn cầu, lợi ích của Trung Quốc được đảm bảo bằng cách thực hiện các bước ngăn chặn sự tham gia của quân sự trong tranh chấp chủ quyền. Bắc Kinh nên thực hiện các biện pháp thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng có tranh chấp hàng hải.
Căng thẳng leo thang
Sau nhiều năm yên ả, tranh chấp trên vùng Biển Đông bỗng nhiên dậy sóng khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực khẳng định chủ quyền bằng các báo cáo chính thức, các chính sách mới trong nước, tiến hành tuần tra, xâm nhập thường xuyên.
Những hành động này đã đưa Trung Quốc vào cuộc đối đầu với Philippines và Việt Nam. Trong khi đó, tại vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng đang căng thẳng với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bắc Kinh lại cho rằng hành động của mình trên Biển Đông chỉ là “phản ứng lại” chứ không phải là cố tình leo thang căng thẳng nhằm bảo vệ lợi ích chủ quyền trên khu vực tranh chấp. Đồng thời, nước này liên tục cam kết với các quốc gia thành viên ASEAN về thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, bao gồm cả nơi đang có tranh chấp.
Nói một đằng làm một nẻo, năm 2012, Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) triển khai các cuộc thăm dò nước sâu Biển Đông khiến các nước láng giềng lo ngại rằng nước này đang dùng sức mạnh của “người khổng lồ” để thực hiện yêu sách.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố xoay trục sang châu Á- Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, tăng cường cam kết của Mỹ về hiện diện quân sự trong khu vực, tập trung vào việc hỗ trợ các nước đồng minh và đối tác chiến lược.
Chính sách xoay trục của Mỹ tạo nên những phản ứng tích cực trong một số quốc gia, nhưng lại làm trầm trọng thêm nghi ngờ của Trung Quốc về các mục tiêu mà Mỹ hướng đến trong khu vực.
Bắc Kinh cho rằng việc xoay trục như trò chơi không đẫn đến kết quả tốt đẹp gì với nước này và Mỹ đang tìm cách tích lũy sức mạnh tại châu Á- Thái Bình Dương, một phần trong đó có kế hoạch phá vỡ quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, chính quyền Tổng thống Obama đang cố gắng cải thiện bầu không khí. Washington thường xuyên nhắc lại rằng nước này không can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền. Lợi ích của nước này nằm trong sự khuyến khích kiềm chế tất cả các bên trong hỗ trợ giải pháp hòa bình.
Làm sao để "bớt xấu xí"?
Đối với Bắc Kinh, vừa trấn an các nước láng giềng về một người “hàng xóm tốt” trong khi duy trì lợi ích của mình ở Biển Đông là một thách thức lớn nhưng không phải là không thể thực hiện. Một bước quan trọng đó là Trung Quốc cần làm rõ mức độ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông, tuy nhiên, bản đồ có “đường chín đoạn” mà nước này tự đưa ra lại chiếm gần hết Biển Đông. Trung Quốc nên làm rõ tuyên bố của mình nằm trên một số vùng nhất định, nằm trong giới hạn cho phép của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà nước này là thành viên. Điều này giúp giảm bớt mối quan tâm của khu vực (và quốc tế) về phạm vi tham vọng của nước này.
Đồng thời, Trung Quốc cũng nên xác định và thể chế hóa các quy trình để hợp tác với các bên tranh chấp khác. Cần tích cực theo đuổi một ràng buộc pháp lý về hành vi trên biển, kiềm chế sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp hàng hải, đưa ra khuôn khổ cho các biện pháp xây dựng lòng tin trong vùng biển tranh chấp.
Tháng 4/2013, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN bàn đến việc đồng thuận giữa các nước thành viên trong việc xây dựng quy tắc ứng xử. Trong lịch sử, tiến trình theo hướng này đã bị đình trệ. Hầu hết các nước thành viên ASEAN muốn có cách tiếp cận đa phương trong khi Trung Quốc lại muốn các cuộc đàm phán song phương.
Tuy nhiên, tại hội nghị diễn ra vào tháng 4 vừa qua, Trung Quốc bày tỏ quan tâm trong việc tổ chức tham vấn đặc biệt về quy tắc ứng xử với một nhóm đại diện các nước ASEAN cấp cao. Trong khi đó, Hà Nội cũng tham gia trực tiếp với Bắc Kinh về Biển Đông trong bối cảnh một cuộc đối thoại rộng hơn về hợp tác song phương. Điều này cho thấy những bất đồng về cách thức đàm phán không phải là không thể vượt qua.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nên theo đuổi các thỏa thuận cùng các nước láng giềng về việc khai thác tài nguyên trên vùng biển tranh chấp. Một ví dụ thành công của mô hình này đó là vùng trung lập Saudi-Kuwaiti, cho phép cả hai nước cùng khai thác dầu trong khu vực tranh chấp theo một thỏa thuận.
Trung Quốc cũng có một thỏa thuận tương tự với Nhật Bản trong phát triển mỏ khí đốt ở biển Hoa Đông mặc dù chương trình chưa được thực hiện. Theo đuổi thỏa thuận tương tự trên Biển Đông sẽ giúp nâng cao độ tin cậy vào Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích hàng hải và đạt được mục tiêu chung trong khu vực. Mục tiêu đó bao gồm cải thiện an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Tóm lại, các biện pháp như thỏa thuận tăng cường hợp tác cùng có lợi trong khu vực tranh chấp kết hợp với quy tắc ứng xử, làm rõ yêu cầu của Bắc Kinh sẽ từng bước giúp Trung Quốc trấn an các nước trong khu vực rằng nước này vẫn là một người láng giềng tốt. Điều này cũng giúp giảm thiểu khả năng xung đột quân sự trên Biển Đông.