Trung Quốc bị tố 'đem con bỏ chợ' ở Iraq

Là nhà đầu tư nước ngoài số 1 vào nguồn dầu mỏ Iraq, nhưng hai tuần nay, TQ đang bị chỉ trích vì "đem con bỏ chợ".

Hiện khoảng 10.000 công nhân Trung Quốc đang làm việc ở Iraq, cho những công ty dầu khí TQ vốn "hưởng lộc" nhiều và giúp TQ trở thành nhà đầu tư nước ngoài số 1 tại nước này.

Hầu hết các công nhân TQ đều làm việc ở phía nam Iraq - nơi có đông người Shiite và cách xa cuộc xung đột hiện nay, giữa quân chính phủ với phiến quân nổi dậy Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL).

TQ chỉ quan tâm mối lợi từ "vàng đen"

Hiện nay, khoảng 1.200 công nhân TQ bị mắc kẹt ở một nhà máy điện tại thành phố Samarra, cách Thủ đô Baghdad 75 dặm về phía bắc do phiến quân ISIL tấn công quá nhanh. Sứ quán TQ tại Iraq đã đưa trực thăng đến nhà máy trên vào ngày 25.6, sơ tán được khoảng 35 công nhân.

Các chuyến xe cũng đón được hơn 200 công nhân, tuy nhiên khi đang trên đường về Baghdad thì đoàn xe bắt gặp các tay súng gác trên đường nên đành quay trở lại nhà máy.

Hồi tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh sẽ “theo dõi chặt chẽ tình hình Iraq và có biện pháp cần thiết để bảo vệ các công dân, công ty và tổ chức của TQ".

Tuy nhiên cho đến nay, TQ không tổ chức được một cuộc di tản quy mô lớn nào. Chỉ cho đến ngày 27.6, truyền thông TQ mới báo cáo rằng các cuộc di tản bằng đường hàng không và đường bộ đã được bắt đầu.

Dù  đầu tư nhiều tỉ USD ở Iraq, Bắc Kinh lại có rất ít ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, theo ông Yin Gang, một chuyên gia về Trung Đông tại Học viện Khoa học xã hội TQ.

“TQ không thể bảo vệ lợi ích của mình tại Iraq”, ông Yin nói, đồng thời nêu ra lý do là vì TQ ít có ảnh hưởng chính trị tại Iraq hơn các nước khác và không hề có ý định gửi quân đến hỗ trợ cho chính phủ Iraq.

Các mỏ dầu chính của Trung Quốc ở Iraq chủ yếu nằm ở phía nam đất nước. Ảnh: Al Jazeera 

“Dù TQ có lợi ích quan trọng ở Iraq… thì chúng tôi vẫn không phải là một quốc gia có ảnh hưởng truyền thống ở Trung Đông và Iraq. TQ là thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ ít ảnh hưởng nhất tại Iraq và không có đủ sức mạnh để giải quyết vấn đề”, nhà bình luận về Trung Đông, Ma Xiaolin nói.

Chính điều này làm cho Bắc Kinh trở nên “miễn dịch” với các lời kêu gọi TQ nên đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc khủng hoảng Iraq, và hành động nhiều hơn với vai trò là một cường quốc.

“TQ chỉ là một đối tác kinh doanh. Chúng tôi không tham gia nhiều vào các vấn đề chính trị hay quân sự Iraq, và sự lộn xộn hiện tại chẳng có gì liên quan với chúng tôi",  He Wenping, ông nhà phân tích Iraq tại Viện Tây Á và châu Phi nói.

Chủ trương "vắt cổ chày ra nước"

Giáo sư Yin khẳng định Bắc Kinh đã "ngỏ ý"  rằng chính phủ mà người Shiite chiếm đa số của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki hãy xúc tiến đàm phán với các nhà lãnh đạo Sunni đề "tìm ra một giải pháp chính trị", phù hợp với mong muốn của Mỹ, nhưng TQ "không có cửa" giúp đề xuất ấy thành hiện thực.

Bắc Kinh cũng không thích chuyện  "dây vào làm chi, chỉ rách việc"! Vì Tập đoàn dầu khí quốc gia TQ (CNPC) thuộc nhà nước TQ hoạt động ở miền nam Iraq, trong khi cuộc chiến giữa quân chính phủ Iraq với ISIL là ở miền bắc. Nó chẳng tác động đến hoạt động sản xuất-xuất khẩu của tập đoàn này. 

Và dù "kịch bản tồi tệ nhất" nào đó có thể xảy ra, các mỏ của CNPC vẫn đang ở những khu vực của người theo đạo Hồi dòng Shiite, rất khó có thể lọt vào tay phiến quân ISIL theo Hồi giáo dòng Sunni. CPNC còn đầu tư 5,6 tỉ USD vào các mỏ dầu ở Rumani cùng cổ phần ở 3 mỏ khác khiến họ là nhà đầu tư lớn nhất vào ngành dầu thô Iraq.

Dù tập đoàn dầu khí nhà nước TQ khác, SINOPEC, sở hữu cổ phần lớn một mỏ dầu ở vùng Kurdistan (bắc Iraq) nhưng các tay súng bảo vệ khu tự trị này chắc chắn cũng sẽ đấu súng với bất kỳ cuộc tấn công nào của ISIL.

Năm ngoái, CNPC "rút" được 299 triệu thùng dầu của Iraq, chiếm 1/3 tổng sản lượng ở nước ngoài của họ. TQ cũng đang toan tính mua gần 25 % dầu thô xuất khẩu của Iraq trong năm nay, nhưng dầu mỏ Iraq cũng không lớn lao gì đối với nền kinh tế TQ.

Là nguồn cung dầu thô lớn hàng thứ năm thế giới cho TQ, khoản "vàng đen" Iraq được TQ nhập khẩu chỉ chiếm 10 %. Nhưng con số này cũng chỉ là 0 % dối với tổng nguồn cầu năng lượng của TQ, vốn chủ yếu dựa vào nguồn than trong nước, cùng nguồn than mua giá rẻ bèo từ một vài nước bị TQ "ép giá" kiểu "vắt chày ra nước".

Tuy nhiên, TQ chỉ giỏi tính cái lợi trước mắt. Dù hiện TQ không bị ảnh hưởng gì từ cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Iraq. Việc giá dầu thế giới tăng cao-từ một cuộc chiến kéo dài ở Iraq-chắc chắn sẽ tác động mạnh tới những viễn cảnh kinh tế của TQ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại