Trước đó, hôm 10-2, Nhật Bản tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa mới đây của nước này.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Nhật Bản sẽ bao gồm việc cấm tàu của Triều Tiên đi vào các hải cảng của Nhật Bản và lệnh cấm nhập cảnh vào Nhật Bản đối với các công dân mang quốc tịch Triều Tiên.
Đáp lại, Triều Tiên hôm 12-2 đã quyết định giải tán Ủy ban điều tra về vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc và tuyên bố "sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa mạnh mẽ".
Nhật Bản cho biết nước này hy vọng bằng cách nào đó Tokyo sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng thực hiện lời hứa của mình, nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc là một vấn đề ưu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe.
"Chúng tôi vô cùng đáng tiếc trước việc Triều Tiên tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra" - Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 12-2.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm hết sức mình để khuyến khích Triều Tiên đưa ra hành động cụ thể".
Theo một thỏa thuận được thông qua tại Stockholm vào tháng 5-2014, Triều Tiên sẽ tiến hành tái điều tra tất cả vụ bắt cóc công dân Nhật, hai bên đã cùng lập ra một ủy ban đặc biệt để phục vụ cho mục đích này.
Thỏa thuận được xem là một bước đột phá trong việc giải quyết vấn đề mà từ lâu đã cản trở mối quan hệ giữa Tokyo và Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, hầu như không có tiến triển nào kể từ đó, bất chấp nỗ lực của Tokyo để gây áp lực lên Bình Nhưỡng nhằm tiếp tục cuộc điều tra và công bố các phát hiện.
Katsunobu Kato, Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách vấn đề bắt cóc, cho biết Tokyo không muốn hủy bỏ thỏa thuận Stockholm.
Triều Tiên đã khiến chính phủ Nhật Bản giận dữ khi nước này hồi năm 2002 thừa nhận rằng họ đã bắt cóc 13 công dân Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980 để đào tạo tiếng Nhật và phong tục Nhật Bản cho các điệp viên của Bình Nhưỡng.
Năm trong số những người bị bắt cóc đã được phép trở về Nhật Bản, nhưng Bình Nhưỡng khẳng định rằng tám người còn lại đã chết mặc dù không cung cấp bằng chứng.