Triều Tiên dựng tượng 1 người Nga và tôn vinh "anh hùng dân tộc"

Kim Jong-un vừa cử một phái đoàn đến Siberia, Nga. Nhiệm vụ của phái đoàn: tôn vinh một người Nga vào kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông: Yakov Novichenko.

Đại sứ Triều Tiên cúi đầu trước mộ anh hùng

Hôm 28.4 vừa qua, Đại sứ của Triều Tiên tại Nga, ông Kim Yong Jae và các quan chức khác của Triều Tiên đã đặt vòng hoa và cúi đầu trước người mà họ gọi là” anh hùng dân tộc của Triều Tiên”, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của ông Novichenko. Ngay cả dân làng của ông Novichenko cũng chẳng nhớ đến ngày này.

Khi đến thăm mộ của ông Novichenko, các quan chức Triều Tiên tỏ ra rất ngạc nhiên vì sự đơn sơ. Con gái của ông Novichenko phải giải thích là tại nghĩa trang ở địa phương, mộ người đã khuất không nên làm quá nổi bật và cần phải làm giống như mọi người khác.

Đại sứ Triều Tiên cúi đầu trước mộ ông Novichenko

Có vẻ không hài lòng khi thấy mộ của “anh hùng dân tộc” quá đơn sơ, người Triều Tiên đã dựng một tượng đài nhỏ trên mộ ông Novichenko. Đại sứ Kim Yong Jae cho biết: “Đây là lời dặn của lãnh tụ Kim Jong-un, người đã nói với chúng tôi nên kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Yakov (Novichenko) và làm điều đó rất nên làm. Lãnh tụ đã gửi một phái đoàn đến Siberia, cũng như vòng hoa và lời hứa sẽ hỗ trợ cho gia đình của ngài Novichenko. Nhờ sự quan tâm của lãnh tụ, chúng tôi có thể dựng lên một tượng đài mới trên mộ người anh hùng của chúng tôi”.

Huyền thoại một người lính

Không mấy người trên thế giới và kể cả người Nga biết đến cái tên Yakov Novichenko nhưng với người Triều Tiên, họ coi ông là “anh hùng dân tộc”. Người đàn ông Siberia giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử Triều Tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành xây dựng chính quyền Bình Nhưỡng.

Ngày 1.3.1946, ông Novichenko đã không ngại tung người tóm một quả lựu đạn được ném về phía ông Kim Nhật Thành. Ông Novichenko định ném nó ra xa nhưng không kịp và lựu đạn vẫn phát nổ.

Nhờ hành động dũng cảm đó, ông Kim Nhật Thành sống sót nhưng ông Novichenko bị thương nặng. Thật ra, ông Novichenko sống vẫn còn là điều may mắn khó tin, vì những người lấy thân chặn lựu đạn thường khó mà sống sót.

"Tôi nghĩ rằng điều này là khó tin bởi vì mọi người hầu như không bao giờ sống sót sau một vụ nổ lựu đạn. Vì vậy, thật khó để nhiều người trong chúng ta tin rằng câu chuyện của ông có thật", con trai của Novichenko, Ivan cho biết.

Sau vụ liều mình cứu Kim Nhật Thành, ông Novichenko mất một cánh tay và tổn thương hai mắt nhưng trở thành người bạn suốt đời của gia đình họ Kim và gần như là cá nhân ngoại quốc duy nhất được người Triều Tiên sùng bái. Khi ông Novichenko phải vào viện thì bà Kim Jong-suk, vợ của Kim Nhật Thành là người đầu tiên đến thăm với đồ ăn do đích thân bà làm.

Trong chuyến thăm Liên Xô vào năm 1984, Kim Nhật Thành đã dừng tàu nửa ngày ở thành phố Krasnoyarsk tại Siberia để thăm người bạn Nga. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó nói với Novichenko : "Tại sao đồng chí không viết thư cho tôi một lần ?" rồi nói thêm: "Tôi dù rất bận rộn với công việc của nhà nước nhưng đồng chí cứ dành thời gian viết thư cho tôi. Hãy đến thăm tôi ở Bình Nhưỡng sớm”.

Năm 1987, Triều Tiên cho dựng tượng của ông Novichenko đang lao mình về quả lựu đạn. Năm 1994, ông Kim Nhật Thành qua đời và không lâu sau thì ông Novichenko cũng qua đời. Sau này, nhà lãnh đạo kế nhiệm Kim Chính Nhật và cũng là con trai của Kim Nhật Thành vẫn thường xuyên hỏi thăm gia đình ông Novichenko và giờ đến lượt nhà lãnh đạo Kim Jong-un (cháu nội Kim Nhật Thành) không quên gia đình ân nhân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại