Gặp mặt là sai lầm
Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang ngày một căng thẳng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định điều quân tới Syria hỗ trợ chính phủ Bashar al-Assad chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), lãnh đạo hai nước đã nhất trí sẽ gặp nhau bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ.
Nhưng theo giáo sư An ninh Quốc gia thuộc Học viện Hải quân Mỹ Tom Nichols, cuộc gặp này sẽ là một sai lầm, đơn giản vì nó không những không giải quyết được gì, mà thậm chí sẽ còn gây thêm nhiều vấn đề.
Nội dung chính của cuộc gặp mặt rất được trông đợi này, theo như những gì Nhà Trắng tuyên bố, sẽ xoay quanh vấn đề khủng hoảng miền đông Ukraine. Nhưng rõ ràng ai cũng hiểu rằng Syria mới thật sự là điểm nóng nổi cộm nhất dẫn tới quyết định đàm phán giữa hai bên.
Theo ông Nichols, một cuộc gặp cấp cao cần một tầm nhìn chung với những mục tiêu hai bên cùng hướng tới, cũng như phải có sự tôn trọng lẫn nhau nhất định giữa đại diện hai nước. Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, các cuộc đối thoại Nga-Mỹ cũng được đánh giá là sòng phẳng.
Và chuyên gia này khẳng định, cuộc gặp Obama-Putin tới đây không đáp ứng được bất kì yếu tố nào nói trên.
"Chẳng có gì để thảo luận cả. Nhà Trắng sẽ lại thể hiện sự bất lực trước việc thế giới không chịu 'phục tùng' một nước Mỹ thờ ơ trong đối ngoại. Còn về phía người Nga, rõ ràng họ không cần đến cuộc gặp này, vì họ hiểu rõ mình đang làm gì.
Khoan nói đến liệu những bước đi của điện Kremlin có thật sự khôn ngoan hay không, nhưng chí ít thì họ cũng có chính sách đối ngoại rõ ràng, và trong lĩnh vực này Nga đang trên tầm Mỹ" - ông Nichols phân tích.
Ngoài ra, ông Nichols cho rằng Vladimir Putin rõ ràng "không coi Barack Obama ra gì". Vậy tại sao lại "tặng" cho Tổng thống Nga một cơ hội nữa để cho Nhà Trắng thấy rằng những gì họ đang làm hoàn toàn không có bất kì tác động nào đến chính sách của điện Kremlin?
"Như trước đã là quá đủ rồi. Có thêm một cuộc gặp nữa thì cũng không thể thay đổi một sự thật rằng quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ đã 'chết' từ sau thất bại của nút 'reset'" - chuyên gia này viết.
Ông Obama "không đáng để Kremlin để tâm đến"
Theo ông Nichols, Mỹ đã sai lầm ngay từ việc "bóng gió" về khả năng hai bên sẽ gặp nhau.
Dù thế nào thì ông Putin cũng sẽ đến New York tham dự cuộc họp đại hội đồng LHQ, do đó dù chỉ nêu ý tưởng về cuộc gặp thôi cũng đã đặt Mỹ vào thế bị động của người chủ nhà muốn giữ khách, và đưa Nga vào thế chủ động của người đưa ra quyết định.
"Tôi không hiểu nổi tại sao bộ sậu của Obama, dù đã có 7 năm nhiệm kì, lại có thể mắc những sai lầm hết sức cơ bản trong ngoại giao như vậy" - ông Nichols viết.
Nay khi cuộc gặp mặt Obama-Putin đã được ấn định, chuyên gia này vẫn không rõ hai lãnh đạo sẽ nói gì với nhau.
"Phải chăng ông Obama sẽ 'giãi bày' với Nga rằng ông bực bội thế nào trước việc Nga tận dụng những thất bại trong đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông? Tại sao ông Putin phải nghe ông Obama chì chiết mình trong một vấn đề mà đáng ra Mỹ đã phải nhận ra từ lâu?"
Ông Nichols cũng cho rằng, cuộc đối thoại sắp tới không chỉ là một sai lầm với Mỹ, mà nó cũng không cần thiết đối với cả hai bên. Đó là vì những vấn đề chính đều đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp bên phía Nga Sergei Shoigu thảo luận từ trước.
Người đứng đầu quân đội Mỹ-Nga đã khởi động thảo luận về vấn đề Syria.
"Thế là đủ rồi. Cứ để Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thảo luận về những vấn đề quan trọng như Syria, sau đó báo cáo lại với lãnh đạo. Những chuyện như thế này không cần đến một cuộc gặp giữa hai Tổng thống mới có thể giải quyết được" - ông Nichols nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Nichols đưa ra lý do quan trọng nhất để khẳng định cuộc gặp Obama-Putin tới đây sẽ "chỉ tổ mất thời gian". Đó là vì Tổng thống Putin từ lâu đã hình thành quan điểm chẳng lấy gì làm tốt đẹp về chính phủ Obama và điều đó sẽ không thay đổi.
"Putin đã 'nắn gân' Obama, và đưa ra kết luận Tổng thống Mỹ không đáng để Kremlin để tâm đến. Không ít trường hợp một cuộc gặp mặt giữa hai lãnh đạo sẽ giúp người này thay đổi quan điểm về người kia. Nhưng Obama-Putin đã gặp nhau nhiều lần, mà kết quả vẫn vậy".
Chuyên gia này khẳng định Mỹ không nên trông chờ gì nhiều từ Putin. Với việc sáp nhập Crimea năm ngoái và mới đây là công khai ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad tại Syria, có thể thấy sự thiếu tôn trọng mà Nga dành cho Mỹ thể hiện rõ đến mức nào.
Do vậy, một cuộc gặp cấp cao nữa cũng sẽ không thay đổi quan điểm đó. Đã đến nước này, ông Nichols khẳng định Mỹ nên chấp nhận một sự thật rằng, ít nhất cho đến khi một gương mặt mới xuất hiện tại Nhà Trắng, bất kì cuộc đối thoại cấp cao nào với Nga cũng sẽ "chỉ tổ mất thời gian"