Trong suốt một thập kỷ qua, ông Dmitri Barinov luôn theo dõi tình hình kinh tế của quê hương mình từ văn phòng công ty Union Investment tại thành phố Frankfurt (Đức).
Năm ngoái, khi nhiều người đồng loạt tránh xa khỏi Nga, ông Barinov đã thuyết phục cấp trên của mình chấp nhận mạo hiểm và mua trái phiếu chính phủ của Nga.
Quyết định này đã giúp ông thắng lớn, bởi ngân hàng trung ương Nga, sau khi ra quyết định đẩy lãi suất lên mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính ở Nga năm 1998 nhằm giữ giá của đồng ruble, đột ngột thay đổi quyết định và giảm lãi suất.
Trong vòng 10 tháng đầu của năm 2015, các trái phiếu chính phủ đồng ruble đã giúp những nhà đầu tư như Barimov thu lãi khoảng 25%, mức thu nhập cao nhất đối với một loại trái phiếu.
Nhưng sang năm nay, ông Barimov không thể nhìn ra được lối thoát từ nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.
Lệnh cấm vận mà Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt vẫn là yếu tố khiến kinh tế Nga không thể tăng trưởng.
Trong khi đó, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua cũng ảnh hưởng tiêu cực đến Nga, quốc gia có 50% thu nhập đến từ dầu mỏ và khí tự nhiên. Ông Barimov cho rằng, “tình hình sẽ còn rất phức tạp”.
Theo cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin, mức độ dư thừa dầu thô có thể khiến giá dầu giảm xuống mức 16 USD/thùng.
Từng là một trong những nhân vật quan trọng của chính quyền Putin trong thập kỷ trước, ông tỏ ra không mấy lạc quan về tình hình hiện tại.
“Trong vòng 18 tháng tới, Nga sẽ gặp nhiều vấn đề kinh tế lớn”, ông Kudrin cho biết.
Trong những ngày đầu nhậm chức, ông Putin không phải trải qua thời điểm khó khăn như hiện tại. Vào năm 2000, giá dầu ở mức 28,44 USD/thùng.
Trong vòng 8 năm tiếp theo, nhờ lợi nhuận từ dầu mỏ tăng lên và tổng sản phẩm quốc nội của Nga trung bình tăng lên 7% mỗi năm, niềm tin đối với ông Putin rất cao.
Tuy nhiên gần đây, truyền thông Nga bắt đầu bày tỏ những nghi ngờ đối với nền kinh tế. Một phóng viên đã hỏi ông Putin rằng những người sống bằng lương hưu sẽ phải sống ra sao khi “giá cả tiếp tục tăng cao”.
Ông Putin đáp lại: “Tôi muốn chỉ số trợ cấp hưu trí trong năm 2016 ít nhất phải ngang với tỉ lệ lạm phát hàng năm. Tôi không thể nói trước được liệu chúng tôi có làm được hay không”.
Cựu Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga Mikhail Dmitriev cho biết, với kế hoạch chi tiêu ngân sách quốc gia năm 2015 được dựa trên điều kiện giá dầu ở mức 50 USD/thùng, “cho dù giá dầu là 40 USD, kinh tế của Nga sẽ gặp nguy hiểm”.
Theo cựu cố vấn Nga Sergei Guriev, việc chi tiêu có thể sẽ khiến quỹ dự trữ của Nga, hiện đang có khoảng 120 tỉ USD, sẽ cạn kiệt trong vòng một hoặc hai năm tới.
“Tiếp đó, họ sẽ phải tăng mức thuế đối với các doanh nghiệp, qua đó sẽ buộc họ hạn chế đầu tư, khiến dòng vốn ra khỏi kinh tế Nga sẽ tăng lên còn GDP tiếp tục giảm”, ông Guriev nói.
Vào giữa tháng 1 vừa qua, không khí tại diễn đàn kinh tế Gaidar của Nga rất xấu.
Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo rằng nếu Nga không giảm chi tiêu để giữ tỉ lệ thâm hụt ngân sách ở mức 3%, Nga sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính mới giống như thời điểm cuối thập niên 1990.
Khi đó Nga đã tuyên bố vỡ nợ hàng loạt, đồng ruble mất giá và lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.
Đánh giá của ông Siluanov không làm nhiều người ngạc nhiên.
Theo ngân hàng trung ương Nga, GDP của nước này đã giảm 3,7% trong năm ngoái và sẽ tiếp tục giảm ở mức 3% vào năm 2016 nếu giá dầu trung bình là 35 USD.
Vào tháng 1/2016, giá trị đồng ruble đã giảm 60% khi quy đổi ra đồng USD so với thời điểm giữa năm 2014.
Hiện nay, nhiều hãng hàng không như Delta Air Lines, Air Berlin và Cathay Pacific đã ngừng bay đến Nga do lượng khách thấp và đồng ruble mất giá.
Tháng 12 năm ngoái, trong khi chuẩn bị cho Đêm Giao thừa và Giáng sinh, lợi nhuận của các hãng bán lẻ như Metro của Đức hay Ikea của Thụy Điển ở mức thấp nhất kể từ năm 1991.
Không lâu trước đây, thị trường ô tô Nga được coi là sẽ vượt mặt Đức, nhưng đến năm 2016, lợi nhuận bán xe đã giảm trong 4 năm liên tiếp.
Ông Putin cho biết, lệnh trừng phạt kinh tế do những sự kiện ở Ukraine đã khiến nền kinh tế Nga gặp khó khăn.
Ông coi đây là âm mưu nhằm cản trở Nga xây dựng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Nhưng những vấn đề do giá dầu sụt giảm còn lớn hơn thế rất nhiều.
Hãng Union Investment của ông Barinov không phải là doanh nghiệp duy nhất rút vốn đầu tư khỏi Nga.
Sau khi thu được lợi nhuận lớn từ giá trái phiếu vào năm ngoái, ông Ogeday Topcular, một giám đốc của hãng Ram Capital tại Geneva (Thụy Sĩ) và là một nhà đầu tư có uy tín, đã bán toàn bộ trái phiếu nợ của Nga vào giữa năm 2015 do ông lo ngại đồng ruble đang quá phụ thuộc vào dầu mỏ.
Ông Mark Mobius, một giám đốc của hãng Franklin Templeton Investment cho biết, giá dầu thô đang là gánh nặng đối với kinh tế Nga.
“Xét đến việc ngân sách chính phủ Nga quá phụ thuộc vào dầu mỏ, có thể thấy rằng triển vọng của nền kinh tế và thị trường nước này là không tốt”, ông nói.
Vào mùa thu năm ngoái, một tia hy vọng đã lóe lên. Nga tuyên bố can thiệp vào tình hình cuộc chiến tại Syria theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tháng 9/2015.
Sự kiện này sẽ giúp Moscow nắm giữ vai trò quan trọng trong việc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột và đồng thời sẽ khẳng định lại mình trên trường quốc tế.
Bước đi này ban đầu đã thành công, khi lãnh đạo của Mỹ và các nước châu Âu đều phải đánh tiếng với Nga và đã có những lời đồn cho rằng lệnh cấm vận của Nga sẽ được nới lỏng.
Vào cuối năm ngoái, Mỹ, Nga và các nước khác đều đồng ý thành lập một chính phủ mới vào khoảng giữa năm nay và bầu cử toàn quốc diễn ra trong vòng 1 năm sau đó.
Vào tháng 2, Mỹ và Nga thống nhất kế hoạch ngừng bắn.
Tuy nhiên kết quả của những nỗ lực hòa bình vẫn đang bị đặt dấu hỏi khi các cuộc không kích vẫn được cho là tiếp tục diễn ra, không những vậy quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là một trong những đối tác thương mại chính của Nga bị hủy hoại, và Ankara đe dọa sẽ đưa quân bộ tới Syria.
Việc ông Putin chưa thể đa dạng hóa nền kinh tế để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ vẫn là điểm yếu lớn nhất của Nga.
“Chính phủ Nga đã đánh mất nhiều cơ hội thực hiện các cuộc cải tổ cần thiết và đa dạng hóa nguồn lợi nhuận”, ông Marco Ruijer, giám đốc tài chính của hãng NN Investment Partner của Hà Lan cho biết.
Mặc dù một số loại trái phiếu của Nga vẫn “rất hấp dẫn”, ông Rujier nói “nhiều nhà đầu tư đang bán đi những loại trái phiếu có liên quan đến dầu mỏ, trong đó có của Nga”.
Trong khi đó, hãng Prosperity Capital Management, công ty đã đầu tư 2 tỉ USD vào Nga, hiện đang chờ đợi giá dầu tăng trưởng trở lại và tình hình địa chính trị được cải thiện.
“Vấn đề do lệnh cấm vận gây ra không còn nghiêm trọng như trước”, giám đốc của hãng là ông Ivan Mazalov cho biết.
Theo ông Ivan Tchakarov, nhà kinh tế học thuộc ngân hàng Citigroup cho biết, Tổng thống Putin cũng có thể sẽ thuyết phục các nhà đầu tư bằng cách thực hiện kế hoạch tư nhân hóa một loạt các doanh nghiệp cũng như ban bố luật mới nhằm giảm bớt sức ép đối với các doanh nghiệp.