Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, James Clapper trong một hội nghị về quân sự tổ chức ở Washington đã đưa ra nhận định rằng "không có bằng chứng trực tiếp" nào cho thấy chiếc A321 của hãng Kogalymavia (Nga) trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố.
"Tôi sẽ không loại trừ nó ra", ông James Clapper cho biết thêm rằng cơ quan tình báo của ông cũng không loại trừ khả năng máy bay Nga bị khủng bố.
Nhận định của ông Clapper ngược lại với những tuyên bố của 1 nhóm cực đoan của lực lượng khủng bố IS nhánh ở Ai Cập rằng chính các tay súng này đã bắn hạ máy bay của Nga nhằm trả đũa việc Moscow không kích IS ở Syria.
Trong khi đó giới tình báo Mỹ thì có cái nhìn ngược lại với nhiều chuyên gia về hàng không. Cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng máy bay Nga bị rơi chắc chắn không thể do yếu tố từ bên ngoài như bị tên lửa tấn công hoặc va đụng với vật thể khác từ không trung.
Nhóm tình báo Mỹ tự tin và khẳng định do lỗi kỹ thuật của máy bay, dựa trên hình ảnh và video ghi lại cảnh hiện trường vụ rơi máy bay, theo CBS News trích dẫn các nguồn tin tình báo.
Nhận định của giới tình báo Mỹ khác hẳn với tuyên bố của hãng Kogalymavia hôm 2.11, nói rằng nguyên nhân khiến máy bay của hãng này rơi là do tác động ngoại lực. Kogalymavia loại trừ những yếu tố kỹ thuật bên trong máy bay và con người gây ra vụ tai nạn.
Các quan chức Nga thì cho biết rằng máy bay chở khách của họ đã bị vỡ vụn trong không trung trước khi rơi, nhưng cho biết vẫn còn quá sớm để nói về nguyên nhân của vụ rơi máy bay tại Ai Cập này.
The Irish Aviation Authority (IAA), nơi chiếc máy bay của Nga vừa bị rơi được đăng ký (chiếc Airbus A321 này là máy bay cho thuê) cho biết họ đã tìm thấy tài liệu về tính an toàn của máy bay đầu năm nay.
IAA cho biết họ tiến hành đánh giá hàng năm các máy bay và hồi tháng 4.2015 thì "tất cả các chỉ số đều đạt yêu cầu".
Trong khi đó, Flightradar 24 cho biết máy bay Nga đã "trồi lên hụp xuống" đến mấy trăm mét khi bay và hiện tượng này diễn ra 2 lần trước khi mất liên lạc với mặt đất.