Tin "Lính Triều Tiên tham chiến ở Syria" có bao nhiêu % sự thật?

Ngọc Minh |

Mặc dù không thể xác nhận, song dựa vào lịch sử quan hệ song phương, nhiều học giả cho rằng, không nên nghi ngờ tin các tay súng Triều Tiên chiến đấu ở Syria.

Hoàn toàn không khó tin

Hồi tuần trước, ở Geneva, Asaad az-Zoubi, trưởng đoàn đàm phán của Uỷ ban Đàm phán Cấp cao (HNC), một lực lượng đối lập do phương Tây hậu thuẫn, khẳng định, các tay súng Triều Tiên đang sát cánh với lực lượng quân chính phủ Assad trên chiến trường Syria.

"Hai đơn vị dân quân Triều Tiên đang có mặt ở đó: Chalma-1 và Chalma-7".

Sự diện diện của các tay súng từ đất nước còn khá cô lập với thế giới và xa cách về địa lý tại Syria thoạt nghe là điều vô lý.

Tuy nhiên, suốt hơn 5 năm nội chiến ở Syria đã “thu hút” các chiến binh từ ít nhất 86 quốc gia tới tham chiến. Chưa kể, Syria và Triều Tiên đã có quan hệ đối tác quân sự với nhau từ lâu đời.

Đây không phải là lần đầu tiên có những thông tin về việc lính Triều Tiên tham gia vào cuộc xung đột ở Syria.

Năm 2013, Rami Abdulrahman, giám đốc Đài quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) từng trả lời phỏng vấn trên báo Ả Rập Al-Sharq al-Awsat rằng, một nhóm nhỏ lính Triều Tiên đang có mặt ở Syria, hỗ trợ về hậu cần và cùng quân chính phủ Syria lập kế hoạch tác chiến.

"Không rõ số lượng sĩ quan Triều Tiên, song chắc chắn có khoảng 11 - 15 người, hầu hết họ nói tiếng Ả Rập", ông Abdulrahman dẫn theo một bài báo trên tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc).

Một năm sau đó, tuần báo Quốc phòng Jane's cũng đăng tải thông tin rằng, Triều Tiên đang giúp Syria nâng cao năng lực tên lửa.

Những báo cáo này, rất khó để có thể xác nhận.

Tuy nhiên, giới chuyên gia có lý do để cho rằng những thông tin kiểu như thế này là đáng tin cậy - Triều Tiên và Syria đã có mối quan hệ quân sự trong suốt nhiều thập kỷ. Cho tới nay, gần như không có dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ đó đang bị lung lay.


Lính Triều Tiên trong một cuộc diễu binh quân sự ở quảng trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng.

Lính Triều Tiên trong một cuộc diễu binh quân sự ở quảng trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng.

“Đối tác sâu sắc, lâu dài nhất”

"Triều Tiên đã bắt tay với Syria từ cuối những năm 1960", ông Joseph S. Bermudez Jr, một cây viết của trang web chuyên nghiên cứu về Triều Tiên 38 North của Viện nghiên cứu Hàn-Mỹ trực thuộc trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) tiết lộ.

Sự hợp tác song phương này bao gồm hỗ trợ cố vấn và lính phòng không cho Syria ngay sau các cuộc chiến 1967 và 1973 với Israel.

Triều Tiên cũng được cho là đã cung cấp cho Syria công nghệ để xây dựng cơ sở hạt nhân bí mật al-Kibar - đã bị phá hủy trong cuộc không kích của Israel năm 2007.

"Syria là một trong những quốc gia có mối quan hệ chính trị và quân sự sâu sắc, lâu dài nhất của Triều Tiên", học giả Andrea Berger từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh khẳng định.

Trong một báo cáo được công bố hồi năm ngoái, học giả người Anh đã nói tới sự hình thành của mối quan hệ này, ban đầu dựa trên hoạt động huấn luyện quân sự rồi dần chuyển sang buôn bán vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo và vũ khí hóa học.

Đáng chú ý, mối liên hệ giữa Triều Tiên và Syria vẫn tồn tại cho tới nay và thậm chí là còn được củng cố hơn, dù rằng, về lý thuyết, nhẽ ra đã bị các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bình Nhưỡng cắt đứt.

Ông Bermudez tiết lộ, đã có nhiều thông tin về sự xuất hiện của một nhóm nhỏ lính Triều Tiên, hỗ trợ hậu cần cho chính phủ trung ương ở Syria kể từ khi Mùa xuân Ả Rập bắt đầu.

Tuy nhiên, gần đây, lính Triều Tiên dường như đang đóng một vai trò tích cực trong cuộc chiến ở Syria.

"Mặc dù tôi không thể xác nhận những thông tin này, không loại trừ khả năng Triều Tiên làm vậy, khi mà họ từng có lịch sử cung cấp các lực lượng ủng hộ chính quyền các quốc gia trong cuộc khủng hoảng ở châu Phi”.

Học giả Anh
Andrea Berger
Sự hợp tác giữa quân đội 2 nước, bao gồm hiện diện trên mặt đất của quân đội Triều Tiên, phù hợp với lịch sử quan hệ song phương.

Trong khi đó, một số người người vẫn hoài nghi về thông tin trên.

Nhà nghiên cứu Phillip Smyth tại Đại học Maryland (Mỹ) - người đã thực hiện nghiên cứu về các nhóm đồng minh với chính phủ Syria, cho hay, các báo cáo "mơ hồ" về hoạt động của lính Triều Tiên là từ các nguồn tin "có cảm tình" với chính phủ Syria.

Dù vậy, ông không chắc chắn về độ xác thực của chúng.

"Thông thường, họ sẽ nhầm lẫn giữa các chiến binh Hazara người Shitte ở Afghanistan (một nhóm người Afghanistan thiểu số chiến đấu cho chính phủ Syria) là người Trung Quốc hoặc Triều Tiên".

Chính quyền Triều Tiên năm 2013 đã phủ nhận các thông tin về sự tham gia của lính Triều Tiên ở Syria.

Dù vậy, theo các nhà phân tích, Triều Tiên đang ngày càng thiếu tiền mặt, và việc gửi côn dân ra nước ngoài kiếm ngoại tệ là việc bình thường, và cũng không có ngoại lệ ở Syria.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại