Chính thức: Luật an ninh mới của Nhật Bản có hiệu lực từ hôm nay

Hải Võ |

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin, Luật an ninh mới của Nhật Bản chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 29/3.

Đây là bước ngoặt trong chính sách an ninh của Tokyo kể từ sau Thế chiến II.

Trả lời phỏng vấn tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei, Nhật Bản), giáo sư Diêm Học Thông của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc đánh giá, Luật an ninh mới của Nhật được thực thi sẽ đưa tới mối đe dọa bùng phát xung đột quân sự giữa hai nước.

Diêm Học Thông cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần tỏ thái độ quan ngại đối với bộ luật này của Nhật Bản, ngay từ khi nó mới chỉ là dự thảo.

"Tuy nhiên, Trung Quốc không cho rằng Tokyo sẽ nhanh chóng trở thành mối đe dọa về quân sự, mà chỉ lo ngại quyền hạn của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được gia tăng.

JSDF không có quyền để phát động chiến tranh với Trung Quốc, nhưng những động thái yêu cầu mở rộng quyền hạn của quân đội Nhật là rất rõ ràng.

Nếu quyền ra quyết định về phản ứng khi xảy ra xung đột ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được trao cho JSDF thì sẽ rất nguy hiểm," ông Diêm nói với Nikkei.

Theo quan điểm của học giả này, Bắc Kinh "cảm thấy khó hiểu" trước logic "dùng Luật an ninh để gia tăng sức ép đối với Trung Quốc" của chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Ông bình luận: "Nhật Bản không có sức đe dọa. Họ chỉ có vai trò hỗ trợ làm tăng áp lực từ Mỹ lên Trung Quốc. Nhưng mối đe dọa từ Mỹ và vấn đề an ninh Nhật Bản thì không liên quan gì với nhau...

Nếu Nhật Bản cho rằng giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông có thể làm giảm nhẹ áp lực quân sự từ quân đội Trung Quốc ở biển Hoa Đông thì họ đã sai lầm.

Ngược lại, Trung Quốc có khả năng tăng cường hơn nữa sức ép quân sự ở biển Hoa Đông. Hoạt động đưa tàu chiến đến khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể sẽ không ngừng gia tăng."

Theo Hoàn Cầu, trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên diễn biến căng thẳng, nếu JSDF dựa vào Luật an ninh để điều động lực lượng hỗ trợ Mỹ thì Bắc Kinh sẽ xem Nhật và Mỹ "không có gì khác biệt".

Thậm chí, quân đội Trung Quốc đánh giá quân đội Nhật là "mắt xích yếu nhất" trong liên minh quân sự với Mỹ.

Tờ này đe dọa, nếu Tokyo thực hiện quyền tự vệ tập thể thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn, bởi "vấn đề Đài Loan, vấn đề biển Đông và vấn đề bán đảo Triều Tiên sẽ tạo thành phản ứng dây chuyền, dẫn đến chiến tranh Trung-Nhật".

Hoàn Cầu cho rằng, do mối đe dọa hạt nhân từ cả phía Mỹ và Trung Quốc nên giữa hai nước này, bao gồm các đồng minh của Mỹ, không thể thể bùng phát chiến tranh trực diện. Do đó, "Bắc Kinh không cần cố gắng né tránh chiến tranh với Nhật hay Philippines".

Luật an ninh mới của Nhật Bản được Thượng viện nước này thông qua ngày 19/9/2015.

Đạo luật sẽ mở rộng vai trò của JSDF trong vấn đề hỗ trợ đồng minh ở nước ngoài và thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Theo đó, JSDF có quyền tham chiến dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng, để bảo vệ các đồng minh bị tấn công vũ trang, ngay cả trong trường hợp an ninh quốc gia của Nhật Bản không bị đe dọa trực tiếp.

Hoàn Cầu lo ngại, Luật an ninh mới sẽ tạo không gian cho chính phủ Nhật Bản thực hiện các hoạt động "quân sự hóa" ở Tây Thái Bình Dương.

Bắc Kinh đã phản ứng rất gay gắt khi ngày hôm qua (28/3), Tokyo vừa đưa vào hoạt động trạm radar trên căn cứ mới ở đảo Yonaguni, chỉ cách đảo Senkaku/Điếu Ngư 150 km.

Chỉ huy căn cứ mới ở Yonaguni -Trung tá Daigo Shiomitsu - tuyên bố động thái trên cho phép quân đội Nhật Bản quản lý khu vực lãnh thổ ở rìa nước này, cũng như phản ứng trước mọi tình huống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại