Nhật Bản sắp nắm quyền "động binh", Trung Quốc không có gì e ngại?

Hải Võ |

Luật an ninh mới của Nhật Bản, cho phép quân đội nước này "động binh" ở nước ngoài, sẽ có hiệu lực chính thức kể từ ngày 29/3/2016. Bắc Kinh hết sức quan tâm diễn biến sắp tới.

"Hiến pháp Nhật không cấm sử dụng vũ khí hạt nhân"

Mạng Trung Quốc (China.com) đưa tin, Cục trưởng Cục pháp chế thuộc Nội các Nhật Bản Yokohata Yusuke đã nhận được câu hỏi liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân từ Ủy ban ngân sách Thượng viện nước này.

Ông Yusuke tuyên bố: "[Việc sử dụng vũ lực] cần thiết để bảo vệ quốc gia đã bị hạt chế tới mức độ thấp nhất, nhưng tôi không cho rằng có bất kỳ hình thức sử dụng vũ khí hạt nhân nào bị cấm trong Hiến pháp Nhật Bản."

Theo China.com, chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì "3 nguyên tắc không hạt nhân", bao gồm không sở hữu, không chế tạo và không sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, phát ngôn của ông Yokohata Yusuke tại Thượng viện Nhật là điều rất hiếm thấy.

Đáng chú ý, tuyên bố của ông Yusuke được đưa ra trong bối cảnh Luật an ninh mới của Nhật Bản được thông qua vào tháng 11/2015 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 29/3 tới.


Ông Yokohata Yusuke

Ông Yokohata Yusuke

Trung Quốc chưa lo quân đội Nhật Bản "động binh"?

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nhận định, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ không lãng phí nỗ lực của Nội các và tìm kiếm đột phá, nhằm thể hiện rằng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) thực sự nắm "thượng phương bảo kiếm", được phép động binh ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không nhiều khả năng Tokyo sẽ triển khai rầm rộ sức mạnh quân sự ngay trong thời gian tới.

Hoàn Cầu cho hay, ở thời điểm hiện tại, việc điều động quân sự của quân đội Nhật Bản có thể sẽ phục vụ việc hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Điều này cũng làm tăng nguy cơ Nhật trở thành mục tiêu của IS nếu chính quyền của ông Abe chính thức đưa ra quyết định như vậy.

Hồi tháng 1/2015, Thủ tướng Nhật đã tuyên bố viện trợ các nước Trung Đông 200 triệu USD để chống khủng bố. Sau đó, việc IS sát hại 2 con tin Nhật Bản được cho là động thái báo thù.

Trong năm nay, chính phủ Nhật Bản sẽ đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 5 và đến năm 2020 là Thế vận hội. Vấn đề an ninh quốc gia đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của Tokyo.

Hoàn Cầu phân tích, bên cạnh khả năng can thiệp trực tiếp ở Trung Đông, các khu vực khác có thể trở thành lựa chọn của quân đội Nhật gồm bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông và biển Đông.

Trong khi Luật an ninh mới của Nhật được Washington đánh giá là công cụ cho phép nước này hỗ trợ quân sự Mỹ trên toàn cầu, thì việc Tokyo can thiệp vào tình hình Triều Tiên lại khiến Mỹ không hài lòng.

Hồi tháng 5/2013, sau khi Thủ tướng Abe cử Cố vấn đặc biệt về quản lý rủi ro Isao Iijima bí mật thăm Triều Tiên, thì quan chức cấp cao phụ trách chính sách Triều Tiên của Mỹ lập tức có chuyến thăm Tokyo để cảnh cáo Nhật Bản "không hành động đơn phương".


Ông Abe phát biểu trước các sĩ quan Nhật Bản trên tàu khu trục Kurama tại cuộc duyệt hạm đội hôm 18/10/2015. ((Ảnh: Asahi Shimbun)

Ông Abe phát biểu trước các sĩ quan Nhật Bản trên tàu khu trục Kurama tại cuộc duyệt hạm đội hôm 18/10/2015. ((Ảnh: Asahi Shimbun)

Ở khu vực biển Hoa Đông, đặc biệt là đảo Senkaku/Điếu Ngư, mặc dù cơ chế thảo luận cấp cao Trung-Nhật về kiểm soát nguy cơ sự vụ trên biển chưa đạt được tiến triển thực chất, song Luật an ninh mới ra đời đã đơn giản hóa đáng kể trình tự "động binh" của quân đội Nhật.

JSDF có thể căn cứ vào đánh giá của Thủ tướng và chủ động phát lệnh tấn công.

Tuy vậy, Hoàn Cầu tự tin rằng về hiệu quả chiến lược trong thời điểm này, sức mạnh quân sự tổng thể của Nhật Bản không bằng Trung Quốc và khó giành quyền kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư bằng vũ lực.

Phía Trung Quốc cho rằng sức mạnh của JSDF chỉ đủ để "quấy rối hoạt động tuần tra ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc đã 'thường thái hóa' kể từ tháng 9/2012".

Mỹ cũng không muốn Nhật Bản có hành động mạnh ở Senkaku/Điếu Ngư (mà không thông qua Mỹ), bởi điều đó có thể làm rối loạn bố trí chiến lược tổng thể "Trung-Nhật đấu nhau, Mỹ đắc lợi" của Washington.

Báo chí Trung Quốc e ngại, JSDF dù không "động binh", nhưng có khả năng "tạo ra các sự vụ va chạm, xích mích" trên biển Hoa Đông để "phá hoạt động quân sự của Trung Quốc".

Đầu năm 2013, ông Shinzo Abe từng lên án Trung Quốc về việc một tàu chiến nước này hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu khu trục Yuudachi thuộc Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản (MSDF), trong khi Bắc Kinh tố Tokyo vu khống.

Về phía biển Đông, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã có những chuẩn bị sẵn sàng để MSDF tham gia các cuộc tuần tra quốc tế cũng như tuần tra đơn phương.

Theo Hoàn Cầu, có hai khả năng. Thứ nhất là quân đội Nhật hưởng ứng kêu gọi của Mỹ và điều binh tới biển Đông.

Thứ hai, MSDF sẽ đơn phương tiến hành các cuộc tuần tra biển Đông giống như Mỹ đang làm để khẳng định tuyên bố về tự do hàng hải trong khu vực.

Tokyo sẽ hành động thế nào và ở đâu vẫn là điều mà Trung Quốc quan ngại và chỉ có thể biết từ sau ngày 29/3 tới. Nhưng ngay từ lúc này, Bắc Kinh đã bắt đầu quan sát cẩn thận từng động thái từ Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại