"Nga rút, Iran hậu thuẫn mạnh Syria, Assad sẽ gặp hoạ"

Ngọc Minh |

Theo giới phân tích, Iran và Hezbollah đang phải chịu áp lực lớn hơn từ việc ủng hộ chính phủ Syria sau khi Nga rút quân khỏi Syria.

Nhà nghiên cứu Geneive Abdo tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, việc Nga rút quân khỏi Syria có thể "khiến Syria một lần nữa lại phải phụ thuộc rất lớn vào Iran và gây áp lực cho Hezbollah".

Điều này cũng là dấy lên câu hỏi, liệu Iran và Hezbollah có tiếp tục giơ vai chịu thêm gánh nặng hay không.

Nga rút, Iran sẽ thêm gánh nặng

Mối quan hệ chiến lược Iran - Syria hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó, một nút thắt quan trọng là việc Syria trở thành trung gian cho Iran chuyển vũ khí và hàng viện trợ cho Hezbollah ở Lebanon.

Đáp lại, trong suốt 6 năm nội chiến, Iran luôn ủng hộ Assad và chính phủ Syria.

Khi cuộc khủng hoảng ở Syria nổ ra năm 2011, Iran đã cử cố vấn, gửi trang thiết bị và hỗ trợ tài chính cho Damascus, giúp chính phủ nước này chống đỡ với những chiến dịch lật đổ của người biểu tình.

Iran cũng được cho là đã đào tạo và hỗ trợ Các Lực lượng Quốc phòng Quốc gia ủng hộ Assad - một trong những mạnh lưới dân quân lớn nhất ở Syria.

Năm 2012, Hezbollah – với sự hậu thuẫn từ Iran, đã huy động hàng nghìn chiến binh vượt biên giới sang giúp đỡ Assad.

Tháng 6/2015, báo Mỹ Bloomberg cho hay, số tiền mà Iran chi ra để giúp củng cố chính quyền Assad, ít nhất là có thể lên tới 6 tỉ USD/năm.

Mới đây, phát ngôn viên Quốc hội Iran Ali Larijani, trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Mekdad ở Tehran, đã ca ngợi chính quyền Syria vì nỗ lực đấu tranh chống khủng bố.

Tuy nhiên, cũng giống như Nga, nền kinh tế của Iran chủ yếu dựa vào dầu mỏ. Giá dầu giảm đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này cũng như năng lực của họ tại Syria.

Ả Rập Xê-Út đã hoãn khoản viện trở 4 tỉ USD cho quân đội Lebanon, nhằm phản đối sự can thiệp của Hezbollah ở vào Syria. Ả Rập Xê-Út coi lực lượng này là khủng bố, song tại Lebanon, Hezbollah là một đảng lớn, có tầm ảnh hưởng nhất định về cả chính trị và quân sự.


Nga rút các lực lượng chính ở Syria, song vẫn duy trì hoạt động tại 2 căn cứ là Hemeimeem và Tartus.

Nga rút các lực lượng chính ở Syria, song vẫn duy trì hoạt động tại 2 căn cứ là Hemeimeem và Tartus.

Với Iran, Syria quan trọng hơn Assad

Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Mỹ Majid Rafziadeh, thành viên ban điều hành Tạp chí Harvard International Review (Mỹ) nhận định, việc Nga rút khỏi Syria sẽ không gây ảnh hưởng lớn với quan hệ Iran - Syria.

"Syria đóng vai trò then chốt với Iran về cả chiến lược và địa chính trị. Assad không cần phải đòi Iran hỗ trợ thêm, bởi số phận của Damascus chính là vấn đề an ninh quốc gia với Iran".

Chính vì vậy, quốc gia Hồi giáo này sẽ không từ bỏ nhà nước Syria, ngược lại, sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ quyền lực của nhân tố chính trong nhà nước Alawite".

Đồng quan điểm này, nhà nghiên cứu Abdo cũng cho rằng, dù phải mang gánh nặng tài chính, song bà không cho rằng Iran sẽ thôi không ủng hộ với chính quyền Syria, Tuy nhiên, hậu thuẫn cho Assad lại là một việc khác.

"Liệu Iran có rút lại sự ủng hộ lớn dành cho chế độ (Syria) hay không? Tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra, nhưng tôi nghĩ họ sẽ dễ dàng từ bỏ Assad để bảo toàn chế độ".

Giáo sư Arshin Adib-Moghaddam từ Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (Anh) cũng đánh giá, thực chất, sự ủng hộ của Iran dành cho chính phủ Syria nhiều hơn với bản thân Assad.

Giáo sư
Arshin Adib-Moghaddam
Iran và Nga không chỉ ủng hộ Assad. Họ ủng hộ sự toàn vẹn của nhà nước Syria, đặc biệt là khi đối mặt với khủng bố như IS hay al-Nusra. Cả 2 quốc gia này đều quan tâm tới việc Syria sẽ tiếp tục là đồng minh của mình, dù có Assad hay không.

Nga sẽ không rút quân mà không bàn trước với Iran?

Ngay cả khi Iran, vì vị trí địa chính trị quan trọng của nước này, mà quyết bảo vệ chính phủ Syria khỏi Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả Rập Xê-Út, thì cũng không thể xem nhẹ mối liên kết ngày càng tăng với Nga trong vấn đề hạt nhân.

Thêm vào đó, sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi năm ngoái, Tehran đang tìm cách cải thiện mối quan hệ với phương Tây và vì vậy, có thể tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria thông qua thương lượng, đàm phán.

"Hơn lúc nào hết, Iran có thể thỏa hiệp một số điều về Assad - đặc biệt là khi họ cân nhắc việc, có rất nhiều yếu tố khác nữa liên quan tới mối quan hệ với Nga", học giả Sarah Bazoobandi từ Viện Hoàng gia về Các vấn đề Quốc tế (Anh) chỉ ra.

Bà cũng nhận định, xem xét mối quan hệ đồng minh Nga - Iran, khó có thể nói rằng Nga đơn phương rút quân khỏi Syria. "Nhìn vào lịch sử, tôi không nghĩ rằng Nga có thể đi một bước đi như vậy mà không có sự phối hợp với Iran".

Sau khi Nga rút quân khỏi Syria, Tư lệnh cao cấp quân đội Iran, Tướng Ali Arasteh, tuyên bố nước này sẽ triển khai biệt kích, lính bắn tỉa tới Syria trong tương lai gần.

Trong khi đó, theo một số nguồn tin từ Hezbollah, hàng nghìn tay súng của lực lượng này đã “noi gương” Nga, quay trở về quê hương.

Chuyên gia Bazoobandi cho rằng, những gì mà Iran đang phải trải qua khiến cho chúng ta khó có thể nói chắc chắn rằng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. "Tôi không nghĩ Syria muốn Iran thay thế Nga - Nga luôn và sẽ rất quan trọng với Syria.

Cả Nga và Iran đều có những hỗ trợ rất quan trọng đối với Syria, và giờ đây, quyết định đã được đưa ra dựa trên sự hỗ trợ đó.

Nếu quan điểm của Iran về việc ủng hộ Syria thay đổi, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự tự tin của Syria trên con đường tiến tới hòa đàm Geneva".

Thậm chí, vì đại cục, Nga và Iran có thể sẽ sử dụng chính hoà đàm Syria để "hi sinh” Assad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại