Ngày 17-3 (giờ địa phương), Hạ viện Brazil đã biểu quyết bầu một ủy ban đặc biệt gồm 65 nghị sĩ của 24 đảng nhằm điều tra luận tội Tổng thống Dilma Rousseff.
Phe đối lập trong Hạ viện tố cáo chính phủ của bà Dilma Rousseff cố ý che giấu các tài khoản công trong năm 2014 trong mùa tranh cử tổng thống. Mục đích để giảm thiểu mức độ khủng hoảng kinh tế, tạo điều kiện cho bà tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai năm 2014.
Theo AFP, đề xuất luận tội tổng thống Brazil đã bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, đến ngày 16-3 Tòa án Tối cao liên bang mới công bố thể thức luận tội. Công đoạn đầu tiên là thành lập ủy ban đặc biệt.
Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha cho biết ủy ban đặc biệt sẽ làm việc trong 45 ngày.
Sau quá trình điều tra, ủy ban đặc biệt sẽ lập báo cáo và trình Hạ viện. Nếu có tối thiểu 2/3 số nghị sĩ Hạ viện đồng ý (342/513 nghị sĩ) thì đề nghị luận tội tổng thống sẽ được chuyển cho Thượng viện.
Nếu bị buộc tội, Tổng thống Dilma Rousseff sẽ phải tạm dừng chức vụ trong tối đa 180 ngày.
Nếu có tối thiểu 2/3 số nghị sĩ Thượng viện nhất trí (54/81 nghị sĩ), tổng thống sẽ bị phế truất ngay.
vào thời điểm làn sóng phản đối tổng thống bổ nhiệm cựu Tổng thống Lula da Silva làm chánh văn phòng tổng thống tiếp tục bùng nổ.
Tổng thống bị nghi ngờ muốn giải cứu ông Lula khỏi bị kết án trong vụ lót tay nhận thầu ở Công ty Dầu khí Petrobras. Trong vụ án này, ông Lula bị điều tra về hành vi nhận hối lộ và rửa tiền.
Trong khi đó trên đường phố, tối 17-3, hàng ngàn người tiếp tục biểu tình ở thủ đô Brasilia và Sao Paulo để đòi Tổng thống Dilma Rousseff phải từ chức.
Tại Brasilia, cảnh sát đã can thiệp bằng hơi cay và bom gây choáng để ngăn những người biểu tình đến gần dinh tổng thống và tòa nhà Quốc hội.
Trong ngày, va chạm cũng đã xảy ra giữa những người biểu tình phản đối tổng thống và những người ủng hộ tổng thống. Cảnh sát phải can thiệp để tách xa hai nhóm này.
Biểu tình đòi tổng thống từ chức bắt đầu từ ngày 13-3 với hơn 3 triệu người tham gia. Liên đoàn Thống nhất người lao động cùng nhiều tổ chức đã kêu gọi biểu tình ở hơn 30 thành phố.
Ngày 18-3 sẽ đến lượt cánh tả động viên lực lượng tham gia biểu tình.
Báo Wall Street Journal đưa tin chỉ số trên thị trường chứng khoán Sao Paulo đã tăng 6,6%. Các nhà đầu tư đánh giá biểu tình là dấu hiệu báo trước chính phủ Brazil sẽ ra đi trong bối cảnh kinh tế tuột dốc.
Nhiều nhà phân tích nhận định bây giờ không đặt ra vấn đề khi nào Tổng thống Dilma Rousseff ra đi mà cần hỏi bà tổng thống sẽ ra đi như thế nào.
Bà bị chỉ trích là người ngạo mạn, thiếu năng lực và là người phải chịu trách nhiệm để xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Tân Hoa xã đưa tin sáng 17-3 (giờ địa phương), ông Lula tiến hành nghi thức nhậm chức chánh văn phòng tổng thống.
Ngay sau đó, thẩm phán liên bang Itagiba Catta Preta Neto đã yêu cầu dừng quy trình bổ nhiệm.
Thẩm phán nêu lý do quyết định bổ nhiệm ông Lula là can thiệp vào hoạt động của cảnh sát, Bộ Nội vụ và bộ máy tư pháp.
Thẩm phán khẳng định quyết định bổ nhiệm ông Lula có bàn tay can thiệp trực tiếp của Tổng thống Dilma Rousseff vào hoạt động bộ máy tư pháp.
Vài giờ sau, tại cuộc họp báo, luật sư của chính phủ thông báo đã khiếu nại quyết định của thẩm phán lên Tòa án Tối cao.
1 phiếu chống và 433 phiếu thuận là kết quả biểu quyết thành lập ủy ban đặc biệt của Hạ viện hôm 17-3 để điều tra luận tội Tổng thống Dilma Rousseff.
____________________________
Tiếng gào của bọn đảo chính không làm tôi đi chệch hướng.
(Tổng thống Dilma Rousseff phát biểu trong lễ nhậm chức của tân chánh văn phòng tổng thống Lula da Silva sáng 17-3)