Tiết lộ bí mật quốc gia cho phiến quân, tướng TQ trả giá đắt

Đức Huy |

Thiếu tướng Huang Xing mới đây đã bị bắt với cáo buộc tham nhũng và ăn hối lộ, tuy nhiên lý do thực sự của việc bắt giữ ông Huang nhiều khả năng xuất phát từ một cáo buộc khác.

Thiếu tướng Huang Xing, nguyên trưởng ban cố vấn nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Quân sự TQ, mới đây đã có tên trong danh sách 14 tướng bị bắt trong 2 tháng đầu năm 2015 vì tham nhũng và ăn hối lộ do Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân TQ (PLA) tổng hợp.

Tuy nhiên, hôm qua (6/3), theo một nguồn tin của tờ South China Morning Post - SCMP (Hong Kong), nguyên nhân thực sự dẫn đến việc ông Huang sắp tới sẽ phải ra hầu tòa là do cáo buộc ông này đã "để lộ bí mật quốc gia".

Theo đó, tướng Huang đã vi phạm quân luật với việc để lộ bí mật quốc gia cho quân nổi dậy vùng Kokang, phía bắc Myanmar, trong cuộc giao tranh giữa lực lượng này với quân đội chính phủ Naypyidaw.

Lấy tên gọi Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, lực lượng này là tập hợp của bộ phận người Myanmar gốc Hoa sinh sống tại vùng Kokang. Nguồn tin của SCMP cho biết ông Huang đã có những hỗ trợ nhất định cho nhóm người này.

Nghiêm trọng hơn, viên Thiếu tướng này đã hành động đơn phương mà không tham khảo ý kiến cấp trên. Quân luật PLA tuyệt đối cấm việc liên lạc với các lực lượng quân đội bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc nếu chưa được sự cho phép.

Tháng trước, trưởng ban an ninh quân sự Myanmar, Trung tướng Mya Tun Oo, đã cáo buộc binh sĩ Trung Quốc huấn luyện và cố vấn chiến thuật cho lực lượng nổi dậy Kokang, dẫn đến những giao tranh liên miên trong thời gian gần đây.

Căng thẳng leo thang trong thời gian gần đây tại vùng Kokang đang khiến các nhà chức trách Myanmar đau đầu. Ảnh: AFP.
Căng thẳng leo thang trong thời gian gần đây tại vùng Kokang đang khiến các nhà chức trách Myanmar đau đầu. Ảnh: AFP.

Phía Bắc Kinh cũng như lực lượng nổi dậy Kokang đều phủ nhận cáo buộc này.

Theo phân tích của nhà báo Shannon Tiezzi đăng trên The Diplomat, việc ông Huang bị bắt là cách để PLA "nhắc nhở" rằng ủng hộ quân nổi dậy Kokang là không phù hợp với đường lối chính trị, dù trên lý thuyết ông này phải hầu tòa vì tội danh tham nhũng.

Bà Tiezzi giải thích, do Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn một mực phủ nhận việc Trung Quốc nhúng tay vào cuộc giao tranh tại Kokang nên họ không thể công khai xét xử ông Huang tội "để lộ bí mật quốc gia" mà phải "mượn tay" chiến dịch chống tham nhũng làm cái cớ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại