Thực hư chuyện Tổng thống Putin “bán đứng” ông Assad

Hoài Thanh |

Mục tiêu địa chính trị của Moskva ở Syria đối nghịch với Washington và không có chuyện Tổng thống Vladimir Putin bán đứng đồng minh lâu năm Bashar al-Assad.

Nói một cách ngắn gọn, ý đồ tạm thời của Mỹ là chia nhỏ Syria ra từng phần, có thể là theo mô hình liên bang, với nhiều khu vực có quyền tự trị cao, không có khả năng đe dọa tới bá chủ của liên minh Mỹ - Israel tại khu vực.

Ở chiều hướng ngược lại, Nga không muốn một Syria phân rã mà lý do nằm ở chỗ: Moskva và Damascus là những đồng minh lâu năm của nhau và một kịch bản Balkan hóa Syria sẽ gây đe dọa tới Nga, với sự hình thành của một “trung tâm” thánh chiến có thể phát động các kế hoạch khủng bố dọc khắp Trung Á, hủy hoại ý định đại chiến lược của Moskva về một vòng cung tự do thương mại trải rộng từ Lisbon tới Vladivostok.

Nga đang nỗ lực tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Khác biệt Nga – Mỹ là không thể hàn gắn được. Washington muốn đặt dấu chấm hết cho định chế quốc gia – dân tộc (national-state system) và tạo lập một trật tự thế giới theo ý đồ.

Moskva muốn duy trì hệ thống hiện hành để bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền tự quyết và thế đa cực. Ông Putin không chấp nhận thế lãnh đạo đơn cực toàn cầu và đang rất quyết liệt để tạo lập một liên minh có đủ khả năng chống lại can thiệp, xâm lược từ Mỹ.

Đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản và Nga cũng không có đủ nguồn lực tài chính để đối đầu với "gã khổng lồ Goliath" Mỹ mọi lúc, mọi nơi. Vì lẽ đó, ông chủ điện Kremlin phải lựa chọn bước đi phù hợp, vận hành trong bóng đêm.

Vài tháng trở lại đây, Tổng thống Nga có nhiều cuộc gặp với tất cả những người chơi chính trong ván bài Syria, trong một nỗ lực để phá băng khủng hoảng.

Câu hỏi mấu chốt nhất là: Ông Assad vẫn tiếp tục tại vị, hay sẽ bị phế truất như đòi hỏi của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ? Moskva phản đối yêu sách hạ bệ thẳng thừng Tổng thống Assad vì nhiều lý do:

1/ Ông Putin và nước Nga không muốn bị mang tiếng là “người phản bội” với đồng minh để rồi nhận tiếng xấu là đối tác kém tin cậy;

2/ Moskva không thể cho phép mình thuận theo học thuyết “thay đổi thể chế” vượt trên luật pháp quốc tế, để rồi chấp nhận một thực tế kẻ bên ngoài có quyền quyết định dựng lên một “lãnh đạo hợp pháp”, như từng diễn ra ở Libya, Iraq, Afghanistan và mới gần đây là Yemen;

3/ Điện Kremlin không thể dễ dàng trao chiến thắng cho Washington về một vấn đề có tính chất trọng đại, dù cuối cùng ông Assad có thể không còn tại nhiệm.

Vậy điều gì đang diễn ra sau bức mành kín? Tháng 6/2015, ông Putin có cuộc gặp với Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammad bin Salman tại St Petersburg nhằm khởi động “Khung hợp tác quốc tế về tạo lập liên minh chống khủng bố tại khu vực”.

Liền sau đó, ông chủ điện Kremlin có các cuộc tiếp xúc với thủ lĩnh các nhóm đối lập và các quan chức cấp cao của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran, Iraq mà nội dung chính là bàn cách thực thi Tuyên bố chung Geneva (phê chuẩn ngày 30/6/2012) về lập lại hòa bình ở Syria, với điểm mấu chốt là thành lập chính quyền chuyển tiếp có sự hiện diện của các thành viên chính phủ và phe đối lập, dựa trên nền tảng đồng thuận trước khi tiến đến một cuộc tổng tuyển cửa tự do, công bằng. Tuyên bố này để ngỏ nội dung cốt yếu nhất: Ông Assad sẽ tại vị hay phải ra đi.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) gặp người đồng cấp Saudi Arabia Adel al-Jubeir tại Moskva hôm 11/8. Ảnh: RT

Đây rõ ràng là xu hướng mà Moskva mong đợi và nó một lần nữa được Ngoại trưởng Sergei Lavrov tái khẳng định trong cuộc gặp với đồng cấp Saudia Arabia Adel al-Jubeir hôm 11/8, khi ông nói rằng “Nga và Saudi Arabia ủng hộ tất cả những nguyên tắc được ghi trong Tuyên bố chung Geneva, nhất là sự cần thiết phải duy trì các thiết chế điều hành hiện có, trong đó có quân đội Syria”.

Ông đồng thời nhấn mạnh, mọi biến số liên quan đến giai đoạn chuyển tiếp và các cải cách chính trị phải do chính người Syria quyết định.

Nó cho thấy một điểm: Tổng thống Putin không muốn xảy ra tình trạng “chân không quyền lực” ở Syria để rồi từ đó dẫn đến một thảm kịch Balkan hóa, tạo mầm mống cho sự xuất hiện khủng bố mà rồi cuối cùng lực lượng này sẽ gõ cửa nước Nga.

Hơn nữa, ý tưởng về “cơ chế chính quyền chuyển tiếp” và các cuộc bầu cử tự do, công bằng đa đảng sau đó tạo cho nước Nga một đường thoát lui trong vấn đề ông Assad.

Ai đó có thể chỉ trích và nói là ông Putin “bán đứng bạn bè, đồng minh”, nhưng sự thật không phải vậy. Ông chỉ đang cố gắng cân bằng những điểm mâu thuẫn, duy trì cam kết với đồng minh.

Cái khó nằm ở chỗ, Washington không muốn thỏa thuận, chỉ thích chiến tranh và thừa hiểu rằng ý đồ làm tan rã Syria và vẽ lại bản đồ Trung Đông không thể thành hiện thực nếu nỗ lực hòa giải của Mosvka vượt thắng.

Ngay cả khi ông Assad thoái lui, Mỹ cũng chẳng hào hứng với ý tưởng một nhà lãnh đạo mới được đại đa số người dân Syria lựa chọn và bầu lên, như những gì từng được công khai ở Geneva hồi năm 2012. Người đó phải là do Washington dựng lên và dễ bề điều khiển.

Điều mà Tổng thống Nga cần thực hiện là đẩy nhanh nỗ lực hơn nữa, sớm lôi cuốn Saudia Arabia can dự và sau đó là lộ trình thực thi Tuyên bố chung Geneva.

Thời gian không chờ đợi, nhất là khi Mỹ đã nhận được tín hiệu ủng hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đẩy nhanh can dự quân sự vào Syria. Cái gọi là thiết lập “vùng an toàn” ở miền Bắc Syria có thể sẽ là bước “hít thở sâu” của người Mỹ trước khi tung ra đòn đánh quyết định.

Đó sẽ là nhiệm vụ không mấy dễ dàng đối với Nga, nhưng ít nhất ông Putin đã đi đúng hướng cho đến thời điểm này.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 17/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua tuyên bố chủ tịch ủng hộ sáng kiến của Đặc phái viên Tổng thư ký Liên hợp quốc về Syria nhằm thực thi Tuyên bố chung Geneva.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại