Thực chất lời đe dọa "thổi bay nước Mỹ" của Triều Tiên

My Lan |

"Bất cứ ai thách thức công lý bằng cách phục tùng kẻ gây tội ác lớn nhất là Mỹ sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi sự trừng phạt tàn nhẫn", KCNA tuyên bố.

Trong bài bình luận đăng tải ngày 21/12, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đã cực lực lên án những lời đe doạ và cáo buộc mạnh mẽ từ phía Mỹ, liên quan tới vụ tấn công mạng rúng động nhằm vào hãng Sony Pictures.

Sẵn sàng "thổi bay" những thành trì của Mỹ

KCNA tuyên bố: "Triều Tiên đã tiến hành phản công cứng rắn nhất. Không có tính toán sai lầm nào nghiêm trọng hơn là cho rằng, chỉ có công ty sản xuất phim là mục tiêu của sự đáp trả này.

Quân đội và người dân Triều Tiên đã hoàn toàn sẵn sàng đối đầu với nước Mỹ trên tất cả các mặt trận, bao gồm cả chiến tranh không gian mạng, nhằm thổi bay những thành trì của Mỹ.

Sự phản công ghê gớm nhất của chúng tôi sẽ được tiến hành một cách đầy quả cảm nhằm vào Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và toàn bộ nước Mỹ..., vượt xa cả "sự đáp trả tương xứng" mà Obama tuyên bố.

Đây là lập trường kiên định không thay đổi của quân đội và nhân dân Triều Tiên.

Những người chiến đấu vì công lý, những người cùng hướng tới một quyết tâm thiêng liêng là phối hợp đấu tranh chống lại Mỹ... đang mài sắc lưỡi lê của mình không chỉ ở Mỹ mà còn ở tất cả những nơi khác trên thế giới.

Bất cứ ai thách thức công lý bằng cách phục tùng kẻ gây tội ác lớn nhất là Mỹ sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi sự trừng phạt tàn nhẫn".

KCNA: Sony Pictures rơi vào "vũng lầy không đáy" vì phim "phản động"

The Interview đã khiến Sony Pictures phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng từ tấn công mạng, đồng thời thổi bùng lên căng thẳng Mỹ - Triều Tiên.

The Interview đã khiến Sony Pictures phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng từ tấn công mạng, đồng thời thổi bùng lên căng thẳng Mỹ - Triều Tiên.

"Làm tổn thương phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên", "kích động khủng bố", "phản động", "gây phiền phức"... là những từ mà KCNA đã dùng để lên án bộ phim hài với chủ đề ám sát Kim Jong Un - The Interview, của Sony Pictures và chính hãng này.

"Xuyên suốt bộ phim là câu chuyện kích động phương thức ám sát tàn độc và đê tiện nhằm vào người đứng đầu một quốc gia có chủ quyền hợp pháp" - điều mà theo hãng tin này, ngay cả xã hội và giới chính trị Mỹ cũng cho rằng "hoàn toàn sai lầm".

KCNA tố cáo hành động của Sony Pictures bị "cuộc chiến tranh không gian mạng tinh vi, phá hoại và mang tính đe doạ phanh phui", và hãng phim này "bị ném vào vũng lầy không đáy sau khi chịu những thiệt hại về tài sản trị giá hàng trăm triệu USD".

Hãng tin này khẳng định rằng, những tổn thất lớn Sony Pictures phải chịu là sự trả giá cho "việc làm sai lầm, hành động tội ác vì làm tổn thương người khác", và rằng quyết định dừng chiếu bộ phim này là bước đi dù muộn màng nhưng vẫn còn may mắn.

Theo KCNA, dư luận Mỹ đang coi sự việc này là "nỗi ô nhục của Sony Pictures", "một điều rất đáng hổ thẹn do Mỹ gây ra", "trong khi Sony Pictures đã phải "giơ cờ trắng đầu hàng hacker" thì Mỹ lại phải chịu "thảm hoạ chưa từng có".

Dù ca ngợi hành động của Guardians of Peace (GOP) là "sư trừng phạt của công lý", song Bình Nhưỡng một lần nữa khẳng định, "không biết họ là ai và ở đâu, nhưng có thể nói chắc chắn rằng họ là những người ủng hộ và cảm tình với Triều Tiên".

GOP là nhóm hacker đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào Sony Pictures, song Mỹ vẫn cho rằng, chính Triều Tiên đứng sau vụ này.

Tuyên bố "đáp trả tương xứng" là "hành vi đáng hổ thẹn"

Tổng thống Obama cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ phải hứng chịu sự đáp trả tương xứng vì tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures.

Tổng thống Obama cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ phải hứng chịu sự đáp trả tương xứng vì tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đã bác bỏ những cáo buộc của FBI rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công mạng lần này và các vụ việc khác xảy ra ở Hàn Quốc vài năm gần đây.

Theo hãng tin này, các lập luận mà FBI đưa ra là "vô căn cứ" và "lỏng lẻo, khi nói rằng rất khó để chứng minh được, với lý do "cần bảo vệ các nguồn tin nhạy cảm"".

KCNA phản pháo: "Điều này có nghĩa là tự thừa nhận rằng "sự quả quyết về việc làm của Triều Tiên" tới từ một cáo buộc mang tính cố ý, hơn là các bằng chứng khoa học".

Bài bình luận còn mỉa mai: "Cách thức chiến tranh mạng trên khắp thế giới gần như đều tương tự nhau, nhiều loại code và các phần mềm xâm nhập khác nhau đang được sử dụng".

Và vì vậy, ngay cả khi ai đó dùng code và các chương trình xâm nhập do chính Mỹ chế tạo để tấn công mạng, thì có lẽ "lực lượng FBI "thông minh" cũng chẳng thể nào làm gì khác được ngoài việc thú nhận rằng, không chắc việc đó do Mỹ gây ra".

Thậm chí, KCNA còn tố ngược lại, "Triều Tiên có bằng chứng rõ ràng rằng chính quyền Mỹ đã dính sâu" vào việc tạo ra bộ phim này và rằng, mặc dù vừa lớn tiếng hô hào đấu tranh chống khủng bố, song Mỹ chính là thủ phạm gây ra chủ nghĩa khủng bố.

The Interview bị cho là được thai nghén và sản xuất theo "chỉ dẫn" của giới chức Mỹ - những người cho rằng các bộ phim như thế này sẽ "được sử dụng một cách hiệu quả trong việc tuyên truyền chống lại Triều Tiên".

Các đặc phái viên nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bị Triều Tiên tố đã yêu cầu những nhà sản xuất phim "giữ tất cả các cảnh xúc phạm phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao" nhằm "chọc tức chính quyền Triều Tiên".

KCNA chỉ trích tuyên bố của Obama về việc "đáp trả tương xứng" Triều Tiên là "một hành vi đáng hổ thẹn", cố gắng "làm sai lệch sự thật, đổi trắng thay đen".

"Một cách thiếu thận trong, Tổng thống Mỹ Obama đã biến tin đồn về "cuộc tấn công mạng của Triều Tiên nhằm vào Sony Pictures" thành việc đã rồi, trong khi vẫn ra rả nói về sự đáp trả tương xứng, tính toán chặt chẽ và các biện pháp trừng phạt đáp trả bổ sung".

Dù vậy, truyền thông Triều Tiên vẫn tuyên bố đầy cứng rắn: "Không cần phải đoán "sự đáp trả tương xứng" đó là gì, quân đội và người dân Triều Tiên sẽ không bao giờ bị những thứ như thế đe doạ".

"Mỹ nên suy nghĩ về những việc làm xấu xa đã tự đẩy mình vào rắc rối như vậy, xin lỗi người Triều Tiên và người dân thế giới".

Cục điều tra liên bang Mỹ FBI khẳng định, Triều Tiên chính là người đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures, nhằm trả đũa việc hãng này sản xuất bộ phim The Interview.

Tổng thống Mỹ Obama cũng cáo buộc Triều Tiên gây ra vụ tấn công và đánh giá, đó không phải là "hành động gây chiến, đó là hành vi phá hoại trên mạng gây tổn thất lớn".

Trong một cuộc họp báo vài ngày trước đây, ông Obama tuyên bố "sẽ đáp trả tương xứng. Địa điểm, thời gian và cách thức đáp trả sẽ do chúng tôi lựa chọn".

Theo ông này, việc Sony hủy công chiếu bộ phim này là sai lầm, bởi lẽ ra, hãng này nên thông báo cho ông trước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại