Chuyên gia Nga: "Nếu Mỹ là nước bị giải thể 23 năm trước..."

Hải Võ |

Nếu Mỹ là nước bị giải thể 23 năm trước thì Washington sẽ phải làm theo đúng những gì Nga đang thực hiện - chuyên gia Nga nhận định và lý giải cho chính sách của Nga tại Ukraine.

Bài xã luận của nhà nghiên cứu Nga Andrey Sushentsov đăng trên chuyên san "Nhìn thấu nước Nga" của Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, dư luận phương Tây luôn duy trì quan điểm rằng chính sách của Nga tại Ukraine "là quyết định và mưu đồ cá nhân của ông Putin".

Trong khi đó, tại Nga, người dân đa phần tin rằng cuộc khủng hoảng Ukraine xuất phát từ tham vọng bành trướng về phía Đông của các nước phương Tây.

Theo ông Andrey, những hành động của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine "nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia", thậm chí cho rằng trong đó những "vấn đề sống còn".

23 năm trước, nếu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tan rã...

Nếu nước bị tan rã là Mỹ, Washington sẽ làm đúng như những gì Moscow đang thực hiện - chuyên gia Nga nhận định.
Nếu nước bị tan rã là Mỹ, Washington sẽ làm đúng như những gì Moscow đang thực hiện - chuyên gia Nga nhận định.

Andrey Sushentsov dùng một giả thuyết thú vị để giải thích cho chính sách của nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Năm 1991, nếu như nước bị giải thể là Mỹ chứ không phải Liên Xô, thì kết quả các bang duyên hải và giáp biên như Washington, California, Arizona, New Mexico, Florida hay Georgia... sẽ thoát ly Mỹ trở thành các quốc gia độc lập.

Hoa Kỳ sẽ mất đi tuyến đường thông sang Thái Bình Dương, trong khi cơ sở hạ tầng trọng yếu như bãi phóng tàu vũ trụ, căn cứ quân sự và cảng khẩu, đường sắt và ống dẫn dầu, trung tâm GPS... nằm trong biên giới "nước khác".

Nếu rơi vào tình thế đó, Mỹ sẽ phải tiêu tốn 20 năm để vực dậy nền kinh tế, và xây dựng cơ sở hạ tầng mới hoàn toàn trên các lĩnh vực mà các nước tách ra từ chối hợp tác với họ.

Vẫn theo giả thuyết của Sushentsov, các thế lực châu Âu sẽ gia tăng hiện diện tại Bắc Mỹ và Mỹ Latin.

Thế lực này sẽ dùng khẩu hiệu "mọi quốc gia có quyền tự lựa chọn con đường cho mình" để lôi kéo các nước châu Mỹ gia nhập liên minh quân sự và kinh tế.

Trong cục diện như vậy, Mỹ sẽ là nước phải tìm mọi cách bảo vệ lợi ích quốc gia trước "âm mưu" mở rộng thế lực của nước ngoài.

Lý giải chính sách của Nga tại Ukraine

Học giả Andrey Sushentsov áp dụng logic trên để giải thích vấn đề Ukraine.

Theo đó, hành động của Nga là để bảo vệ lợi ích quốc gia là hợp lý, bao gồm căn cứ quân sự tại bán đảo Crimea cho tới tuyến năng lượng sang châu Âu, hợp tác mậu dịch, lợi ích dân tộc Nga...

Ông Andrey khẳng định, nếu ở vào vị thế của Moscow, Washington cũng sẽ phải làm như vậy.

Theo logic của chính NATO và Mỹ, các quốc gia Liên Xô cũ "có quyền tự quyết về chính trị, kinh tế cũng như đồng minh quân sự".

Andrey Sushentsov đặt vấn đề, đối với các quốc gia không phải thành viên NATO, tổ chức này có vai trò gì ở "lục địa già" ? Họ đề phòng ai?

NATO là liên minh quân sự thành lập sau Thế chiến 2 nhằm đối đầu với Liên Xô. Đến nay, Liên Xô đã giải thể hơn 20 năm, các nước liên quan từng có ý định "nâng" chức năng của tổ chức này lên phạm vi toàn cầu.

Chuyên gia Nga cho rằng Mỹ và phương Tây chỉ góp phần xé nát Ukraine.
Chuyên gia Nga cho rằng Mỹ và phương Tây chỉ góp phần "xé nát Ukraine".

Theo ông Andrey, cả một thế hệ người dân Âu Mỹ đã trải qua giai đoạn "hòa nhập và phát triển quá nhanh chóng", do đó họ cho rằng toàn thế giới nên đi theo con đường đó.

Tuy nhiên, các quốc gia thuộc khu vực Liên Xô cũ lại đi theo một lộ trình khác, đó là "phân hóa xã hội và nỗ lực đấu tranh để tránh khỏi những xung đột mà nó gây ra".

Những năm gần đây, Nga đã nỗ lực khôi phục vị thế cốt lõi trong các vấn đề quốc tế tại đại lục Á - Âu. Quá trình này của Moscow "vô tình" đụng chạm đến chính sách "Hướng Đông" của Ukraine và phương Tây - Andrey Sushentsov đánh giá.

Ông Andrey cũng nói, Mỹ không phải là nguyên nhân của cách mạng Kiev, song nước này đã lợi dụng tình thế ở Ukraine để củng cố địa vị của mình.

Cách làm của Mỹ đồng thời cũng khiến xã hội Ukraine phân hóa và "làm tăng sức mạnh của lực lượng chính trị vô trách nhiệm".

Động thái lợi dụng Mỹ và NATO để đối đầu Nga của Kiev được cho là giống với cách làm của Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili - quốc gia từng xung đột với lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nam Ossetia.

Trong nỗ lực ủng hộ Ukraine gia nhập khối liên minh châu Âu - Đại Tây Dương, phương Tây cũng đang "xé nát quốc gia này" và "gây ra vết thương không thể hàn gắn trong quan hệ với Nga".

Kết quả tất yếu của sự đối đầu này, là các bên sẽ phải ngồi lại đàm phán về quy tắc hành động tại châu Âu và sự ổn định trong tương lai của Ukraine - Andrey Sushentsov kết luận.

Bài viết do tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga) cung cấp cho Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), thể hiện quan điểm cá nhân của học giả Andrey Sushentsov - phó giáo sư Học viện quan hệ quốc tế Moscow, tiến sĩ chính trị, chuyên gia nghiên cứu thuộc Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại