Thực chất chiến lược 'hướng Tây' của Trung Quốc

Chiến lược “hướng Tây” của Trung Quốc đang nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế như là một đối trọng với chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Zhang Hongzhou thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), lương thực có thể mới là một lực đẩy quan trọng đằng sau chiến lược này của Bắc Kinh.

Trong nhiều thập kỷ, tự cung tự cấp là nền tảng chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc. Song, đối mặt với những thách thức kép từ nhu cầu lương thực tăng nhanh cũng như các nguồn nước, đất và nhân lực nhanh chóng cạn kiệt, Trung Quốc phải nhập khẩu lượng lớn lương thực từ nước ngoài. Để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu từ Mỹ, Bắc Kinh đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn nhập khẩu lương thực và xây dựng hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu riêng cho mình bằng cách đầu tư vào các nguồn tài nguyên nông nghiệp ở nước ngoài.

Mũi nhọn của chiến lược là hướng sang phía Tây, đặc biệt Nga, Trung Á và châu Âu, nơi các nguồn lương thực và nông nghiệp vẫn dồi dào. Trái với Trung Quốc, Nga vẫn còn rất nhiều mảnh đất phì nhiêu chưa được khai thác. Năm 2012, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc đã góp 1 tỷ USD để đầu tư vào ngành nông lâm nghiệp ở Nga và các nước thuộc Xôviết trước đây. Các công ty Trung Quốc đã thuê ít nhất 600.000 ha đất và 800.000 ha rừng tại Nga.

Trung Á - nơi sở hữu các nguồn tài nguyên nông lâm nghiệp khổng lồ nhưng còn lạc hậu về kĩ thuật canh tác, máy móc nông nghiệp, hạ tầng vận tải và kho bãi - đã trở thành mục tiêu lý tưởng cho đầu ra nông nghiệp của Trung Quốc. Năm 2012, Thủ tướng khi đó Ôn Gia Bảo tuyên bố Trung Quốc cân nhắc thiết lập một quỹ hợp tác nông nghiệp Trung Quốc - Trung Á và xây dựng nhiều khu thương mại và trung tâm nông nghiệp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong khu vực. Năm 2013, phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Kyrgyzstan, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất rằng các nước SCO sẽ thiết lập một cơ chế hợp tác vì an ninh lương thực.

Tại Tajikistan, Trung Quốc đến nay đã thuê hoặc kiểm soát hơn 100.000 ha đất, đồng thời đang thảo luận khả năng thiết lập một khu vực thương mại tự do để mở rộng thương mại trong lĩnh vực nông sản. Ở Kazakhstan, công ty Trung Quốc đã có sự hiện diện lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Có tin tập đoàn quốc doanh kinh doanh ngũ cốc Cát Lâm đã đầu tư vào một dự án có diện tích 1 triệu ha đất ở Kazakhstan để trồng đỗ tương.

Trung Quốc cũng quan tâm mở rộng thương mại nông nghiệp với các nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu châu Âu, như Pháp, Hà Lan và Đức. Năm 2012, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) kí kế hoạch Hợp tác Nông nghiệp, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề như an ninh lương thực và môi trường, với mục đích mở rộng quan hệ và tính bền vững thương mại. Tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 16 diễn ra vào tháng 11/2013, một văn bản về nghiên cứu và đổi mới hợp tác trong lương thực, nông nghiệp và công nghệ sinh học đã được kí kết, với hy vọng củng cố hợp tác trong an ninh và an toàn lương thực. Trung Quốc cũng có tỏ ý hợp tác với EU ở cấp đa phương, đặc biệt trong vấn đề quản lí lương thực toàn cầu mà G-20 và WTO đang giải quyết, và thúc đẩy các vòng đàm phán Doha.

Ngoài EU, mục tiêu tìm kiếm lương thực của Trung Quốc còn hướng sang các nước Trung và Đông Âu. Trong số đó, Ukraine thu hút một sự quan tâm lớn. Năm 2012, Trung Quốc đã đồng ý cấp khoản vay trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đổi lại, Ukraine sẽ xuất ngô sang Trung Quốc. Cùng năm, hai bên kí một bản ghi nhớ hợp tác lên tới 4 tỷ USD để đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất 400 ngàn tấn thịt lợn và 600 ngàn tấn thịt gà cũng như một cảng vận chuyển ngũ cốc có khả năng xử lí tới 5 triệu tấn ở Ukraine. Có thể thấy lương thực đang trở thành yếu tố chính định hình chiến lược quốc tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tương đồng và thậm chí còn quan trọng hơn năng lượng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại