Trong chương trình truyền hình hàng tuần “10 phút với Thủ tướng”, ông Yatsenuk đã liệt kê ra 4 điều kiện mà Donbass phải đáp ứng nếu như muốn tổ chức bầu cử theo tinh thần Thỏa thuận Minsk đã đạt được.
“Tất nhiên, Donbass cần phải tổ chức các cuộc bầu cử nhưng phải tuân thủ luật pháp. Có 4 điều kiện rõ ràng để bầu cử được tổ chức ở Donbass”, ông Yatsenuk tuyên bố.
Điều kiện đầu tiên là các bên phải thực hiện nghiêm Thỏa thuận Minsk.
Tiếp đến, khoảng 1,5 triệu cử tri Ukraine phải được quyền tham gia vào tiến trình bầu cử ở Donbass để “bầu lên những người đại diện cho chính quyền địa phương ở Donetsk và Lugansk”.
Thứ ba là các cuộc bầu cử ở Donbass phải “hoàn toàn tuân thủ luật pháp Ukraine”.
Điều kiện thứ tư là “Ukraine sẽ đảm bảo tính cạnh tranh về chính trị ở Donbass như các phương tiện truyền thông được phép đến các khu vực bầu cử, tất cả các đảng phái chính trị Ukraine được quyền cử ứng cử viên của mình tham gia tranh cử ở Donbass”.
Theo giới phân tích Nga, rõ ràng những điều kiện mà ông Yatsenuk đặt ra là “không thể chấp nhận” đối với Donbass và đây là động thái để “phá” bầu cử ở miền Đông Ukraine.
Trao đổi với tờ “Quan điểm” của Nga, chuyên gia phân tích chính trị Evghenhi Krutikov cho rằng các điều kiện do ông Yatsenuk đưa ra là nhằm thay đổi hình thức tổ chức bầu cử ở Donbass.
Hành động này nhằm phá bỏ kết quả trưng cầu dân ý về độc lập đã được tổ chức ở Donetsk và Lugansk trong năm 2014, cũng như kết quả các cuộc bầu cử sơ bộ ở hai khu vực này trong tháng 11/2014.
Bước đi này của ông Yatsenuk là nhằm quay trở lại thực hiện “phương án số 0” nhằm loại trừ các cơ sở giúp Donetsk và Lugansk giành quyền tự trị.
Theo Krutikov, chắc chắn Donbass sẽ không chấp nhận các điều kiện do ông Yatsenuk đưa ra vì trước đó, ông Zakharchenko tuyên bố, Donbass sẵn sàng hủy bỏ kết quả bầu cử năm 2014 nếu như “Ukraine cũng hủy bỏ kết quả bầu cử Tổng thống, cũng như kết quả bầu cử Quốc hội”.
Đây là điều kiện mà rõ ràng Kiev không bao giờ chấp nhận.
“Yatsenuk đã đặt ra cho Donbass các điều kiện không thể chấp nhận nên Zakharchenko phải đưa ra các hành động tương ứng.
Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Zakharchenko có thể hiểu được, còn những tuyên bố của Yatsenuk hoàn toàn không có logic và không có căn cứ pháp lý” - Krutikov nhận định.
Được biết, sau khi lãnh đạo “Bộ tứ Normady” đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục thực hiện Thỏa thuận Minsk, Donetsk và Lugansk đã đồng ý rời các cuộc bầu cử của mình sang năm 2016 với điều kiện Kiev phải tuân thủ đầy đủ các điều khoản chính trị trong Minsk-2.
Cụ thể, Ukraine phải trao cho Donbass quy chế tự trị, không điều tra và trừng phạt các cá nhân tham gia vào các sự kiện ở Donbass, cũng như tiến hành sửa đổi Hiến pháp.
Bầu cử ở Donetsk sẽ được tổ chức vào ngày 20/4/2016 và ở Lugansk là 21/2/2016.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân Donetsk Denis Pushilin, ngày tổ chức các cuộc bầu cử như trên sẽ chưa phải là phương án cuối cùng và có thể sẽ thay đổi “phụ thuộc vào các động thái của Kiev”.
Người dân miền Đông Ukraine trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2014.
Về phía mình, Tổng thống Ukraine P.Poroshenko cũng khẳng định rằng thời điểm tổ chức các cuộc bầu cử ở Donbass sẽ được xác định “sau khi Quốc hội Ukraine thông qua đạo luật tương ứng trên cơ sở luật pháp Ukraine và có tính đến các tiêu chuẩn của Ủy ban các thể chế dân chủ và quyền con người của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu-OSCE”.
Theo giới phân tích Nga, những động thái trái ngược nhau của Donbass và Kiev cho thấy nguy cơ Minsk-2 bị phá vỡ vẫn đang tiềm ẩn và cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ chưa thể sớm tìm ra lối thoát trong thời gian tới.