"Người quản lý Trung Nam Hải"
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc Vương Hỗ Ninh không phải là "hồng nhị đại" - hậu duệ của các nhà cách mạng Trung Quốc hay "quan nhị đại" - con cháu của các quan chức nước này.
Ông Vương là điển hình của một phần tử trí thức cao cấp, một học giả và là giáo sư. "Hay gọi theo cách khác, ông Vương là một... thư sinh", Đa Chiều bình luận.
Trang này tiết lộ, dù là một quan chức ít nổi bật, song Vương Hỗ Ninh lại được chính giới Trung Quốc ví như "quốc sư ba triều" khi từng là "quân sư", cố vấn cho các cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và là "người dẫn đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Dù không nắm trong tay những quyền lực lớn, nhưng ông Vương đang là chuyên gia có uy tín nhất tại Trung Quốc hiện nay về lý luận và thực tiễn chính trị.
Lý luận của Vương Hỗ Ninh có ảnh hưởng rất lớn đến đường hướng phát triển toàn diện của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại và cả tương lai. Thậm chí có quan điểm đánh giá, "mô hình Trung Quốc" chính là "mô hình Vương Hỗ Ninh".
Vương Hỗ Ninh (thứ 3 từ phải) tháp tùng ông Tập trong chuyến công du Mỹ từ 22-25/9. Ảnh: The New York Times.
Tờ New York Times (Mỹ) hôm 30/9 cho hay, Vương Hỗ Ninh là thành viên thuộc nhóm tinh hoa trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông từng là giáo sư chính trị học tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nghiên cứu xã hội Mỹ.
Giai đoạn 1988-1989, Vương Hỗ Ninh là chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Iowa và Đại học California-Berkeley, Mỹ. Trong quá trình nghiên cứu, ông quen biết với nhiều học giả Mỹ.
Tuy nhiên, những học giả người Mỹ quen biết với Vương đều cho biết hiện nay họ rất khó tiếp cận được với quan chức 60 tuổi này.
Không riêng Vương Hỗ Ninh duy trì khoảng cách và "lạnh nhạt" với các quan chức phương Tây mà các cố vấn khác của ông Tập Cận Bình đều có thái độ tương tự.
Sự kín kẽ của các nhân vật thân cận với Chủ tịch Trung Quốc đã tạo ra thách thức lớn đối với các quốc gia khác. Ở một mức độ nào đó, chính phủ Trung Quốc hiện nay là một chính phủ "bảo mật" tốt nhất của nước này trong 66 năm qua.
NYT bình luận, với vị trí của Vương Hỗ Ninh vào thời điểm hiện tại, việc tìm cách nắm bắt quan điểm của ông là rất quan trọng.
Tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ hồi cuối tháng 9, Vương Hỗ Ninh cũng tỏ ra là một người lạnh lùng, không thân thiện.
NYT dẫn lời một quan chức Trung Quốc (giấu tên) từng làm việc chung với Vương đánh giá: "Vương Hỗ Ninh là người rất trầm lặng, có tài và không thích nổi bật."
Bắc Kinh theo đuổi đường lối "tập trung quyền lực" của Vương Hỗ Ninh
Từ năm 1988, Vương Hỗ Ninh đã có bài viết "Phân tích phương thức lãnh đạo chính trị trong tiến trình hiện đại hóa", đăng trên tờ "Phúc Đán học báo", trong đó nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc nên theo đuổi cơ chế lãnh đạo "tập quyền" chứ không phải "phân tán".
Theo ông Vương, cơ chế "lãnh đạo thống nhất" sẽ giúp Trung Quốc tránh được những xung đột không cần thiết giữa nhiều đường lối và quan niệm đối lập.
"Mô hình này cho phép giới cầm quyền phản ứng nhanh, mạnh với các vấn đề đột biến, ngăn chặn phân hóa và biến động xã hội trong quá trình hiện đại hóa", Vương Hỗ Ninh viết.
Vương Hỗ Ninh nhận định, Trung Quốc cần mô hình lãnh đạo tập trung bởi điều này "giúp mở rộng chưa từng có phạm vi quyết sách của lãnh đạo chính trị".
Một điều rất dễ nhận thấy, cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình khởi xướng cũng như "đại cải tổ" quân đội, cắt giảm 300.000 biên chế là những bước đi lớn để Bắc Kinh thực hiện chiến lược tập trung quyền lực về Trung ương.
Tiến sĩ xã hội học Đại học Trung Văn Hồng Kông Ngụy Thừa Tư - người từng cộng tác với ông Vương vào cuối thập niên 1980 - cho biết luận thuyết của Vương Hỗ Ninh về cơ chế lãnh đạo tập trung đã hoàn thành từ năm 1986 và nộp cho Ban bí thư Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, đề xuất của ông chỉ thực sự gây được sự chú ý của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào 2 năm sau đó.
Ông bắt đầu công tác ở Phòng chính sách Trung ương Trung Quốc từ năm 1995 và trở thành cố vấn của nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân.