Trước đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã hoan nghênh đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/3 rằng, nước này sẽ nhận lại toàn bộ người nhập cư đã đi qua đây để vào các nước châu Âu khác.
Đổi lại, Liên minh châu Âu cũng đồng ý về mặt nguyên tắc với Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ cung cấp tiền và đẩy nhanh tiến trình đàm phán cho nước này gia nhập liên minh cũng như miễn cấp thị thực nhanh hơn.
Tuy nhiên, Giám đốc khu vực châu Âu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn Vincent Cochetel hôm qua cho biết, việc trục xuất ồ ạt người nước ngoài đã bị cấm theo Hiến chương về Nhân quyền của châu Âu (ECHR).
Vì thế, thỏa thuận trên giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ là không phù hợp với luật pháp của châu Âu cũng như luật pháp quốc tế.
Ông Vincent Cochetel cũng cho rằng, cam kết của châu Âu năm ngoái về việc tái định cư cho 20.000 người tị nạn trong vòng 2 năm trên cơ sở tự nguyện là “không đủ cân bằng”.
“Chúng tôi mong rằng có thể có một thỏa thuận cân bằng nhưng chúng ta đã nhận được một thỏa thuận sửa sai khẩn cấp mà ở đó, mọi người phải trở lại Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lại việc nước này được hỗ trợ tài chính và miễn thị thực chỉ dành cho công dân của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Liên minh châu Âu dự định công bố thỏa thuận chi tiết với Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng định dự kiến diễn ra vào ngày 17 và 18/3 tới.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng tuyên bố, kết quả của hội nghị này sẽ cho người nhập cư thấy rằng không còn đường đến châu Âu để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, có đến 91% người nhập cư cập bến bờ biển Hy Lạp đang phải chạy trốn các cuộc xung đột ở quê hương./.