Thiết lập ADIZ trên Biển Đông - sai lầm không thể cứu vãn của TQ

Đức Huy |

Theo phân tích của The Diplomat, khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông, nếu trở thành hiện thực, sẽ là một sai lầm đối ngoại cực kì nghiêm trọng của Bắc Kinh.

Với những gì đã làm trong tuần qua, trong đó điển hình là việc đích thân chỉ huy tuần tra trên chiếc P-8 Poseidon, tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ - Đô đốc Scott Swift cho thấy ông sẵn sàng hành động cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước động thái này từ Washington, Bắc Kinh đã đáp trả bằng một cuộc tập trận đổ bộ trên Biển Đông kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ hôm nay (22/7).

Ngoài ra, Trung Quốc từ lâu đã dọa sẽ thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông để củng cố những tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình. Và với sự cứng rắn ngày một gia tăng từ Mỹ, không loại trừ khả năng điều này sẽ trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư/cố vấn an ninh Roncevert Almond đăng trên tạp chí The Diplomat, nếu Bắc Kinh không biết kiềm chế mà quyết định ngang nhiên đơn phương thiết lập ADIZ, đây sẽ là một sai lầm không thể cứu vãn của chính phủ Tập Cận Bình.

Bản chất của ADIZ

Khác với suy nghĩ của nhiều người, việc thiết lập ADIZ không đồng nghĩa với mở rộng không phận chủ quyền.

Thay vào đó, theo luật pháp quốc tế, ADIZ được định nghĩa là một vùng không phận tiếp xúc, nhưng vượt ra ngoài không phận chủ quyền của một quốc gia. Máy bay đi qua phải "khai rõ tên tuổi" và chịu kiểm soát nhằm đảm bảo lợi ích của quốc gia thiết lập ADIZ.

Bản chất ADIZ gắn liền với quyền tự vệ của một quốc gia, theo luật pháp quốc tế và Điều 51 của Hiến chương LHQ.

Trung Quốc đã từng thiết lập ADIZ trên không phận biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh: AP
Trung Quốc đã từng thiết lập ADIZ trên không phận biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo ông Almond, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách "lách luật" bằng một phiên bản ADIZ của riêng mình. Do đó, việc tuyên bố ADIZ có thể được coi như một cách để Bắc Kinh củng cố những tuyên bố "chủ quyền" phi pháp của mình trên Biển Đông.

Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ ngang ngược "vẽ" ra một ADIZ bao quanh đường chín đoạn phi lý. Điều này chắc chắn sẽ "phức tạp hóa tình hình, khiến căng thẳng leo thang, đe dọa hòa bình và ổn định", theo nội dung của Tuyên bố Ứng xử Các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002.

Khi đó, ông Almond phân tích, Mỹ và các quốc gia ASEAN đương nhiên sẽ thách thức ADIZ của Trung Quốc và khẳng định quyền tự do đi lại trên không.

Nếu vậy, liệu Trung Quốc có thể bắt ép các hãng hàng không quốc tế trả "phí cầu đường" khi bay qua đây? Liệu Trung Quốc có dám đánh chặn hay bắn rơi máy bay dân sự của các nước ASEAN hay máy bay trinh sát của Mỹ di chuyển qua ADIZ do Bắc Kinh thiết lập?

Khả năng này là rất thấp.

Mặt khác, nếu Trung Quốc không phản ứng, điều đó chẳng khác nào tự thừa nhận rằng Trung Quốc không sở hữu chủ quyền với chính vùng ADIZ do họ thiết lập, và cũng đồng nghĩa với việc tự nhận đường chín đoạn do họ "vẽ" ra là vô giá trị.

Nếu Trung Quốc dám dùng đến quân sự để áp đặt ADIZ, mọi ảnh hưởng của họ với các quốc gia trong khu vực sẽ biến mất, khi tuyệt đại đa số châu Á - Thái Bình Dương sẽ tìm đến sự bảo hộ của Mỹ trước những động thái ngang ngược từ phía Bắc Kinh.

Đô đốc-Tư lệnh Hạm đội Thái bình dương
Scott Swift
Tôi hết sức hài lòng với những tiềm lực quân sự tôi đang sở hữu với tư cách là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương. Chúng tôi đã sẵn sàng ứng phó với mọi biến động mà Tổng thống Mỹ cho là cần phải đáp trả.

Tóm lại, thiết lập ADIZ sẽ là một sai lầm không thể cứu vãn của Trung Quốc.

Trung Quốc có hiểu ADIZ là "thất sách"?

Phát biểu trong khuôn khổ một hội nghị đối ngoại tại Washington, D.C. tuần trước, ông Wu Sichun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quốc gia về các vấn đề Biển Đông tại Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không nên đơn phương tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.

Trước nhiều nhà phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), ông Wu khẳng định làm như vậy sẽ là cách để Trung Quốc "phát tín hiệu" kiềm chế và giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Cũng tại đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tại Đông Á, ông Daniel Russel, cũng khẳng định Mỹ sẽ làm mọi thứ để đảm bảo luật pháp quốc tế được tuân thủ trên Biển Đông.

"Chúng tôi sẽ không giữ thế trung lập nếu luật pháp quốc tế bị phá vỡ. Chúng tôi sẽ dùng vũ lực nếu cần để đảm bảo luật pháp quốc tế được tuân thủ nghiêm túc" - ông Russel phát biểu tại hội nghị.

Tóm gọn bản chất quan điểm của Mỹ trong các tranh chấp trên Biển Đông, ông Russel nhấn mạnh điều quan trọng nhất với Mỹ không phải là đảo đá nào thuộc chủ quyền của ai, mà luật pháp quốc tế phải được đặt lên hàng đầu.

Có thể thấy, qua những động thái đầu tiên của Đô đốc Swift trên cương vị mới và phát biểu đầy cứng rắn của Trợ lý Ngoại trưởng Russel, Mỹ muốn gửi một thông điệp tới Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực rằng họ đã sẵn sàng đáp trả trước mọi biến động trên Biển Đông.

Việc Trung Quốc ngang nhiên thiết lập ADIZ, đương nhiên, sẽ không phải là ngoại lệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại