Những người này kể về chuyện Mỹ theo dõi công dân các nước châu Âu qua thiết bị điện tử. Họ còn cho biết cơ quan đặc vụ Đức đã phối hợp với điệp viên Mỹ, và sử dụng những chương trình, thiết bị cần thiết của Mỹ - ngày 25/7/2013, đài Vesti FM cho biết.
Tiết lộ của Edvard Snowden đã tạo nên hiệu ứng domino. Một số cựu nhân viên đặc vụ Mỹ quyết định kể toàn bộ về việc người Mỹ theo dõi bằng thiết bị điện tử của các công dân châu Âu.
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Stern, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia William Binney, người đã hơn 30 năm làm nhân viên giải mã của tổ chức tuyệt mật này, cho biết việc cộng tác của cơ quan đặc vụ Đức với người Mỹ bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước và mật thiết hơn nhiều so với vẻ bề ngoài sau tố cáo của Snowden.
Theo lời của Binney, 20 năm trước Cơ quan tình báo quốc gia Tây Đức đã nhận được từ người Mỹ chương trình thực hiện theo dõi điện tử. Cựu nhân viên giải mã cho biết ở Mỹ có một trung tâm dữ liệu với dung lượng 40 đến 50 nghìn tỷ tập tin. Ở đây lưu trữ tất cả: bản ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại, các thư điện tử, và cả các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng từ khắp thế giới.
Một cựu nhân viên khác của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, Thomas Drake, cũng nói với tạp chí Stern rằng, chương trình PRISM bị Snowden tiết lộ chỉ là phần nổi của tảng băng. Hóa ra là chương trình PRISM mà ai cũng nghe thấy, biết đến chỉ là một trong 50 chương trình gián điệp cung cấp thông tin cho trung tâm dữ liệu mang tên “Star Wind”.
Nếu lời các cựu nhân viên NSA đáng tin thì chương trình theo dõi điện tử này đã được triển khai khắp thế giới. Và không ai được an toàn với nó, ngay cả những người lãnh đạo của Mỹ.