Trong lúc đang tụ tập bàn tính về lộ trình đường đua, một tay lái chợt nhìn thấy ánh đèn xanh đỏ của xe cảnh sát. Thế là cả "hội" chạy tứ tán, rồi cùng tụ lại ở một địa điểm khác cách đó vài cây số để tiếp tục cuộc đua.
Ban ngày, Eva (*) là một y tá dịu dàng. Nhưng cứ vào một đêm nào đó mỗi tuần, cô lại trở thành một tay đua đường phố trái phép. Eva là một trong hàng trăm người Hồng Kông bị nghiện tốc độ .
Chạy chiếc Mitsubishi Lancer Evolution VII màu đen, “độ” động cơ, cô y tá 25 tuổi này là một trong hai phụ nữ duy nhất của một hội đua xe hơi ngầm mà thành viên gồm các giáo viên, doanh nghiệp, luật sư và thậm chí là cả người tu hành, theo một phóng sự điều tra của AFP đăng tải ngày 9.5.
Khó có thể nhận ra họ là dân nghiện tốc độ, khi vào ban ngày, gần như không ai trong số những người này... vượt đèn đỏ, theo AFP.
Nhưng tất cả mọi quy định, mọi luật lệ đều bị xếp sang một bên trong thế giới của dân đua xe đường phố Hồng Kông.
Khi đang phóng xe bạt mạng với vận tốc lên đến 200 km/giờ, Eva tự hào khoe rằng bố mẹ cô không hề hay biết cô là một tay đua đường phố trái phép liều mạng.
“Họ không đời nào hình dung được tôi là một "tay đua xe" vì tôi là con gái và trong mắt họ tôi chỉ là cô con gái bé bỏng … Vì vậy tôi sẽ không bao giờ nói cho ba mẹ tôi biết. Tôi không muốn họ lo lắng”, AFP dẫn lời Eva.
Đua xe trái phép là một vấn nạn trên toàn cầu, lan rộng từ Los Angeles (Mỹ) đến Sydney (Úc), Kuala Lumpur (Malaysia)... Riêng tại Hồng Kông, các "tay đua" xem mỗi cuộc đua như một trận đấu trên đường phố.
Chạy hết ga trên một con đường vắng mà thường ngày đông nghẹt xe cộ sẽ cởi bỏ căng thẳng từ cuộc sống ngột ngạt, Alex (*), người gia nhập thế giới đua xe đường phố trái phép tại Hồng Kông đã được bốn năm, nói với AFP.
“Khi bạn đang lái với tốc độ 250 km/giờ thì tất cả những chiếc xe khác có mặt trên đường đều là chướng ngại vật", anh chàng kinh doanh nữ trang 27 tuổi này cho AFP hay.
“Tất cả những chiếc xe khác đều là những bức tường. Tôi là người có thể vượt qua các chướng ngại vật đó để giành chiến thắng… Tôi là vua đường đua”, AFP dẫn lời Alex.
Hành vi nguy hiểm và ích kỷ
“Khi chạy với tốc độ cao, tôi cảm thấy mình với chiếc xe hòa thành một. Chiếc xe trở thành một phần cơ thể của tôi và tôi có thể làm chủ được nó”, một tay lái nữ 36 tuổi tâm sự với AFP.
Cảnh sát Hồng Kông cho hay hiện không có số liệu thống kê về số tai nạn do đua xe trái phép gây ra và cũng không có ca tử vong nào được báo cáo trong vài năm gần đây.
“Đua xe trái phép trên đường phố là một hành vi nguy hiểm và ích kỷ vì nó gây nguy hiểm cho những người khác… Chúng tôi đang cố duy trì sự an toàn trên đường phố”, thanh tra viên Ngai Chun-yip, người đứng đầu tổ chống đua xe trái phép ở vùng phía bắc của đặc khu Hồng Kông, cho biết.
Ông Ngai nhấn mạnh dù chỉ một tai nạn gây chết người vì đua xe trái phép cũng là quá nhiều.
Ông Ngai hiện đang cho tăng cường tìm kiếm các đoạn video khoe chiến tích được đăng tải lên internet của dân đua để lần ra những người vi phạm pháp luật.
Hiện đua xe trái phép tại Hồng Kông diễn ra hằng tuần tại nhiều khu vực khác nhau, với rất nhiều kiểu đua, chẳng hạn như cuộc đua giữa các tay đua tình cờ nhận ra đối thủ sẵn lòng muốn “chiến đấu” trên đường đi hoặc có thể chỉ đơn thuần là một cuộc đua một mình trên xa lộ, theo AFP.
Ngoài mục đích hình thành một cộng đồng đua xe đường phố, nơi các "tay đua" có thể gặp gỡ và kết bạn, việc gia nhập giới đua xe còn mang một ý nghĩa khác, đó là để khoe của.
“Có rất nhiều đại gia siêu giàu tại Hồng Kông. Tất cả bạn bè trong giới đua xe của tôi đều sở hữu xe thể thao đắt tiền và chúng được dùng để khoe mẽ”, Nick (*), tay đua sở hữu một chiếc Porsche và một chiếc Ford Focus RS500, cho hay.
Thiết kế bên trong xe của một tay đua đường phố Hồng Kông làm gợi nhớ đến các chiếc xe được độ để đua trong loạt phim bom tấn Too Fast Too Furious của Mỹ
Với chi phí mua xe và độ xe lên đến hàng trăm ngàn USD, đua xe thật sự là một cách thức khoe khoang tốn kém và nguy hiểm, AFP nhận định.
Nhiều "tay đua" nghiệp dư đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Hồng Kông nên thiết lập một đường đua hợp pháp và cho rằng điều này sẽ giúp xóa nạn đua xe trái phép trên đường phố.
Trong khi đó, một số dân ghiền tốc độ khác lại sang đại lục (tức chỉ nội địa Trung Quốc, một cách nói của người Hồng Kông - PV) để tham gia các cuộc đua hai vòng vào cuối tuần với chi phí tham gia lên đến 10.000 USD.
Có điều, một số "tay đua" cho rằng đường đua hợp pháp sẽ không bao giờ có thể đem lại cảm giác phấn khích như đua trái phép.
(*) AFP cho biết danh tính của các "tay đua" đề cập trong bài đều đã được thay đổi.