Thất bại liên tiếp, vì sao Gia Cát Lượng vẫn quyết đánh Tào Ngụy?

Hải Võ |

Bắc phạt kháng Tào là chiến lược quân sự lớn nhất cuộc đời Gia Cát Lượng, và cũng để lại nhiều tranh cãi cho hậu thế về nguyên nhân ông "biết rõ không thắng mà vẫn quyết đánh".

Sự nghiệp Bắc phạt Trung Nguyên, hưng phục Hán thất của Gia Cát Lượng kết thúc dở dang khi ông bệnh mất trong lần thứ 6 ra Kỳ Sơn.

Lấy công làm thủ

Thục Hán nước nhỏ dân ít, địa thế hiểm trở, dễ thủ khó công. Việc Khổng Minh "bất chấp hiện thực, không tự lượng sức" chinh phạt Trung Nguyên để lại nhiều tranh cãi cho hậu thế.

Việc cục diện "Tam Quốc đỉnh lập" được hình thành, Thục Hán lấy được Ích Châu có liên quan mật thiết với tình thế Trung Nguyên thời hậu chiến (Xích Bích, 208) và vấn đề thất thoát nhân khẩu.

Các đại thần từng dâng tấu lên Hán Hiến Đế, tổng dân số của cả nước (miền Bắc) mới bằng dân số 1 quận thời Hán thịnh. Ý kiến này dù có phần cường điệu, nhưng chứng minh được nền kinh tế - xã hội Trung Nguyên cuối thời Đông Hán bị tàn phá tới mức nào.

Đồng thời, Ích Châu, Kinh Châu, Dương Châu nhờ có Lưu Chương, Lưu Biểu, Tôn Sách "cầm trịch" mà tránh được hỗn loạn.

Thậm chí, dân di cư từ miền Bắc giúp khu vực này có thêm cơ hội phát triển. Điển hình, trọng thần Trương Chiêu được Tôn Sách tin cẩn chính là người miền Bắc.

Còn Lưu Chương có khả năng "ngồi vững" ở Ích Châu, có một phần nguyên nhân rất lớn là dựa vào đội quân Đông Châu, được dựng lên từ nhóm di dân Kinh Châu.

Có quan điểm cho rằng, nếu ở miền Bắc, Tào Tháo có được một khoảng thời gian hòa bình ổn định, kinh tế phục hồi, thì cho dù toàn bộ quân phiệt miền Nam liên minh cũng không có khả năng chống chọi lại lực lượng của Ngụy.

Cục diện như vậy, về sau này cũng xuất hiện ở Tùy triều, đến Đường triều mới dần được thay đổi.

Gia Cát Lượng từng chỉ rõ mục đích của mình khi vạch ra Long Trung đối cho Lưu Bị - Thiên hạ có biến.

Gia Cát Lượng từng chỉ rõ mục đích của mình khi vạch ra "Long Trung đối" cho Lưu Bị - "Thiên hạ có biến".

Gia Cát Khổng Minh là chính trị gia - quân sự gia có tầm nhìn sâu rộng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, ông chắc chắn hiểu rằng đối với một địa phương nghèo nàn như Ích Châu "dù có nỗ lực hơn thì cũng đã phát triển tới cực hạn".

Thất bại ở Xích Bích dù khiến Ngụy tổn thất nặng nề, nhưng không phải đã kiệt quệ. Một khi Tào Tháo khôi phục lực lượng ở Trung Nguyên, thì chuyện thống nhất miền Nam không còn là câu nói đùa.

Đây chính là bối cảnh lớn được gọi là "đế nghiệp Thục Hán không yên ổn". Đơn giản hơn, đối với Thục Hán hay Đông Ngô, sự mất ổn định ở Trung Nguyên quyết định cơ hội "chiếm địa bàn" của bọn họ.

Trên thực tế, trong lịch sử Trung Quốc, thời nào cũng có người nói mục đích Bắc phạt của Gia Cát Lượng nhằm thổi bùng lên cuộc bạo loạn mới ở Trung Nguyên, ngăn cản đà phục hồi kinh tế của miền Bắc.

Ngay chính Khổng Minh cũng nói ra mục đích của bản thân ngay trong "Long Trung đối sách" - "Thiên hạ có biến".

Nếu thiên hạ không có xung đột, thì phải tìm mọi cách để xung đột nổ ra. Đứng ở quan điểm này, Bắc phạt là hành động quân sự "không thể không tiến hành".

Về sau, khi Gia Cát Lượng đã mất thì người kế nhiệm ông là đại tướng Khương Duy vẫn tiếp tục đường hướng quân sự này, và "đều đặn" phát binh đánh Ngụy thêm... 9 lần nữa, dù kết quả cuối cùng không khá hơn so với Khổng Minh.

Khổng Minh chấp nhận tiêu hao quốc lực Thục Hán, bởi vì cái giá Tào Tháo phải bỏ ra còn lớn hơn?

Khổng Minh chấp nhận tiêu hao quốc lực Thục Hán để "lôi" Tào Tháo ra Kỳ Sơn, bởi vì cái giá Ngụy phải bỏ ra còn lớn hơn?

Khổng Minh dựa vào đâu để phạt Ngụy?

Điều được nhiều người quan tâm là, vì sao Gia Cát Lượng chỉ dùng lực lượng 1 tỉnh Tứ Xuyên đã có thể khiến Trung Nguyên mất ổn định? Bí quyết của ông là gì?

Một số ý kiến đánh giá, vấn đề này liên quan tới quy chế quân đội của Tào Ngụy.

Như trên đã nói, do miền Bắc đối mặt với vấn đề thất thoát nhân khẩu nghiêm trọng, binh sĩ thường xuyên đào ngũ, nên Ngụy đã đặt ra chế độ con cháu của quân nhân thì đời đời đều phải gia nhập quân đội, làm "công dân hạng 2".

Chế độ này của Ngụy cho phép người dân thời bình ở nhà làm ruộng, khi có chiến sự thì bị điều ra biên giới, vợ con bị chính quyền giữ làm con tin. Binh lính hy sinh thì vợ con người đó lập tức được gả cho binh sĩ khác để... tiếp tục sinh con.

Lãnh thổ của Ngụy bao gồm toàn bộ miền Bắc Trung Quốc vô cùng rộng lớn, vì vậy chuyện điều binh từ địa phương ra chiến tường không phải lúc nào cũng êm xuôi, dễ khiến những người đi lính không hài lòng.

Nói cách khác, binh chế của Ngụy cho phép Tào Tháo huy động binh lực dồi dào bất cứ lúc nào, nhưng cũng khiến "giá thành" cho việc điều binh của Ngụy cao hơn nhiều so với Thục Hán.

Đối với Thục, dù địa hình hiểm trở gây khó khăn nhiều mặt, nhưng so với gánh nặng kinh tế của Tào Tháo khi phải động binh toàn quốc về Quan Trung đánh trận thì vẫn còn "nhẹ nhàng" hơn nhiều.

Đánh ngoài để yên trong

Một điểm đáng chú ý khác là, khi quân Lưu Bị tiến vào Ích Châu, giữa các nhóm lợi ích - Khổng Minh đại diện cho "nhóm Kinh Châu" và Lý Nghiêm đại diện "nhóm Ích Châu" - vừa phải dựa vào nhau, song vẫn tồn tại mâu thuẫn sâu sắc.

Ban đầu, Quan Vũ để mất Kinh Châu vào tay Đông Ngô, Lưu Bị muốn đoạt lại. Khi đó, tư duy của Bị là: để nhóm Kinh Châu của Lượng cai trị Ích Châu, dùng Lý Nghiêm của nhóm Ích Châu thống trị Kinh Châu.

Hai nhóm trở thành đối trọng với nhau, kinh tế - chính trị Kinh Châu đem lại lợi ích cho nhóm Ích Châu, và ngược lại.

Tuy nhiên, thất bại trước Đông Ngô khiến Bị mất hẳn Kinh Châu. Điều này khiến nội bộ Thục Hán phát sinh mâu thuẫn rất nghiêm trọng.

"Tập đoàn Ích Châu" sau khi mất "bát cơm" Kinh Châu, đã xuất hiện xu hướng "thân Ngụy". Thực tế, nhiều người bản địa Ích Châu đã thừa nhận tính hợp pháp của nền thống trị Tào Tháo, nhờ vào hoạt động tuyên truyền xuất sắc của ông.

Chính vì vậy, Gia Cát Lượng không có cách nào khác mà buộc phải kiên trì với chính sách "Hán triều chính thống", khởi binh Bắc phạt.

Duy trì được cục diện tam phân thiên hạ đã là thành công của Khổng Minh.

Duy trì được cục diện "tam phân thiên hạ" đã là thành công của Khổng Minh.

Khổng Minh tranh thủ hoạt động Bắc phạt để trấn áp thế lực Ích Châu phản đối trong nội bộ. Tuy nhiên, do từ mâu thuẫn đối nội này, Thục Hán lại rơi vào tình trạng thiếu thốn nhân lực cho Bắc phạt.

Vì vậy, việc bồi dưỡng, chiêu mộ nhân tài Nam Bắc trở thành một mục đích khác của Gia Cát Lượng khi tấn công Ngụy quốc.

Như vậy, mục tiêu xuyên suốt chiến lược Bắc phạt của Khổng Minh là cầm chân Tào Ngụy ngoài biên giới, tiêu hao quốc lực của địch và "cầu mong" Trung Nguyên xảy ra nội loạn, nhằm kềm hãm tối đa đà phục hồi kinh tế miền Bắc.

Nếu có cơ hội, Gia Cát Lượng sẽ kéo binh vào Quan Trung, xâm lược Trung Nguyên, hoàn thành "vế cuối" của Long Trung đối sách "nhất thống thiên hạ".

Nếu cơ hội không tới, thì việc duy trì Bắc phạt cũng giúp ông duy trì được quyền kiểm soát trong nội bộ Thục Hán.

Đứng trên góc độ này đánh giá, thì thực tế Khổng Minh đã thực hiện xuất sắc "Long Trung đối sách" của mình.

Dù ông không nhìn thấy ngày "nhất thống thiên hạ", nhưng cục diện "Tam Quốc đỉnh lập" đã được Thục Hán duy trì tới 42 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại