"Thâm ý" sau sự hiện diện của Đô đốc Hải quân TQ ở Shangri-la?

Hải Võ |

Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng ngay trước khi cử một Đô đốc Hải quân tới Đối thoại Shangri-la, tất cả được cho là "thâm ý" của Bắc Kinh gửi tới Mỹ và đồng minh.

Hôm 29/5, Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 14 (Đối thoại Shangri-la) đã được khai mạc tại khách sạn Shangri-la, Singapore trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông giữa Mỹ-Trung Quốc leo thang.

Theo trang Đa Chiều, mặc dù nhà tổ chức của Đối thoại Shangri-la 14 là Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh và Singapore đóng vai trò đồng tổ chức, song vấn đề được thảo luận nổi cộm lại là "vai trò của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương".

Tuy vậy, căn cứ theo chương trình công khai của Hội nghị thì lễ bế mạc Đối thoại Shangri-la vào hôm nay sẽ có chủ đề chính xoay quanh "vai trò của Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định châu Á-Thái Bình Dương".

Theo Đa Chiều, điều này là hiếm gặp trong các kỳ Đối thoại Shangri-la trước đây. Tuy nhiên, trang này cho rằng đáng chú ý hơn cả chính là bối cảnh đằng sau nhân vật được Bắc Kinh cử làm đại diện tại Hội nghị - phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc.

Sự xuất hiện của Thượng tướng Hải quân này được xem là một ẩn ý của Bắc Kinh trong Hội nghị năm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản
Gen Nakatani
Trung Quốc phải “hành xử như một nước lớn có trách nhiệm” và không được lờ đi việc sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Trung Quốc cần phải nói đi đôi với làm chứ đừng nói một đằng làm một nẻo.

Bối cảnh của Tôn Kiến Quốc và "thâm ý" của Bắc Kinh

Đa Chiều cho biết, Đối thoại Shangri-la được bắt đầu từ năm 2001, trong khi tới năm 2007, Trung Quốc mới bắt đầu cử các đoàn đại biểu quân sự cấp cao tới tham dự cuộc đối thoại về an ninh châu Á này.

Từ 2007 đến 2010, Trung Quốc 4 năm liên tiếp cử phó Tổng tham mưu trưởng quân đội tới tham dự Đối thoại.

Phải tới 2011, Bộ trưởng quốc phòng đương thời là Lương Quang Liệt mới lần đầu xuất hiện tại Đối thoại Shangri-la. Đây cũng là lần duy nhất Bắc Kinh cử Bộ trưởng quốc phòng dự Đối thoại này.

Năm 2012, người đứng đầu đoàn đại biểu Trung Quốc là trung tướng Nhiệm Hải tuyền, phó giám đốc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.

Các năm 2013 và 2014, đoàn đại biểu Trung Quốc tới Đối thoại Shangri-la dưới sự dẫn dắt của các Phó tổng tham mưu trưởng quân đội nước này là các tướng Thích Kiến Quốc, Vương Quán Trung.

Đa Chiều bình luận, 2 năm trở lại đây, Trung Quốc đều cử tướng lĩnh quân đội cấp cao làm đại diện tới Đối thoại Shangri-la, nhưng với quân hàm và chức vụ tương đương thì sự xuất hiện của Đô đốc Hải quân Tôn Kiến Quốc lại được cho là "ngoài dự đoán của giới quan sát".

Theo đó, ông Tôn tới Singapore bằng quân hàm Thượng tướng, trong khi các ông Thích và Vương tới Đối thoại Shangri-la chỉ là Trung tướng.

Thêm vào đó, Tôn Kiến Quốc là người đứng đầu trong số các phó Tổng tham mưu của Bộ tổng tham mưu Trung Quốc, là nhân vật có quâm hàm cao nhất mà Bắc Kinh cử tới Shangri-la sau Thượng tướng-Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt năm 2011.

Đặc biệt, Đa Chiều chỉ ra, trong 8 lần Đối thoại Shangri-la trước đó, Trung Quốc đều cử các tướng Lục quân làm đại diện, năm nay là lần đầu tiên Bắc Kinh cử một Thượng tướng Hải quân tới dự hội nghị.

Theo Đa Chiều, trước đây Trung Quốc thường cử các tướng lĩnh Lục quân nước này tới Đối thoại Shangri-la nhằm thể hiện tư duy chiến lược truyền thông của quân đội Trung Quốc, đó là "quốc phòng Trung Quốc lấy đất liền làm cơ sở".

Do đó, sự xuất hiện của tướng Tôn Kiến Quốc trong quân phục Hải quân được cho là sự đột biến trong ấn tượng mà Trung Quốc để lại qua các kỳ Đối thoại trước.

Đô đốc Hải quân Trung Quốc, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la 2015. Ảnh: Reuters.

Đô đốc Hải quân Trung Quốc, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc (đeo kính) dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la 2015. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang như hiện nay, việc một tướng Hải quân như ông Tôn tới Hội nghị an ninh châu Á để tuyên bố về những chiến lược của Bắc Kinh cũng là một điều được Trung Quốc tính toán.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã công bố "chiến lược quân sự Trung Quốc 2015" (sách trắng) hôm 26/5 - chỉ 3 ngày trước Đối thoại Shangri-la - khẳng định Hải quân nước này sẽ được mở rộng phạm vi hoạt động cũng như quyền lực.

Động thái này được cho là một bước để nâng vị thế và sức nặng trong lời nói của ông Tôn Kiến Quốc, khi mà phát biểu của ông đã được báo chí "mặc định" là phản ứng chính thức của Trung Quốc trước bài diễn văn của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 30.

Trung Quốc đã sẵn sàng "động binh" ở Biển Đông?

Theo Đa Chiều, Đối thoại Shangri-la năm nay thực chất là một cuộc thảo luận lớn xoay quanh vấn đề "vai trò của Trung Quốc đối với an ninh châu Á".

Trang này cho rằng, đây là cách nói "nhã nhặn" của việc Mỹ và đồng minh muốn nâng tầm vấn đề Biển Đông lên thành "Trung Quốc là 'đầu sỏ' gây ra bất ổn ở châu Á".

Phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La, ông Ashton Carter lên án những hành vi bành trướng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Đến nay vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ còn đi xa tới đâu. Đó là lý do tại sao Biển Đông đã và đang trở thành ngọn nguồn của sự căng thẳng trong khu vực và xuất hiện trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu" - ông Carter phát biểu.

Ông Carter nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục hoạt động ở vùng biển và không phận quốc tế để khẳng định quyền tự do đi lại mà Trung Quốc đang phá vỡ.

Trong bài phát biểu, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng nêu bật các hành vi xây dựng phi pháp đang có dấu hiệu tăng mạnh của Trung Quốc trong vòng hơn một năm trở lại đây, với hơn 800 héc-ta diện tích đất được cải tạo trái phép trong 18 tháng qua.

"Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm mọi chuẩn mực quốc tế về an ninh châu Á - Thái Bình Dương và sự đồng thuận trong khu vực trong việc không sử dụng sức mạnh của mình để o ép các nước khác." - Ông Carter phát biểu hôm 30.

Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ
Thượng nghị sĩ John McCain
Chúng tôi tin rằng những gì mà Bộ trưởng Carter nói hôm nay (30/5) rất quan trọng. Giờ đây, chúng tôi muốn thấy những lời nói đó biến thành hành động.

Trong khi đó, đáp trả các cáo buộc của ông Carter, Tôn Kiến Quốc chỉ khẳng định rằng "Trung Quốc sẽ tiếp tục vai trò gìn giữ hòa bình và an ninh trên Biển Đông".

Ông Tôn khăng khăng với những luận điệu ngang ngược của Bắc Kinh rằng việc xây đảo nhân tạo (phi pháp - PV) của Trung Quốc ở Biển Đông là... "hợp tình, hợp lý, hợp pháp".

Tôn Kiến Quốc cũng lớn tiếng đe dọa Mỹ - "Quân đội Trung Quốc không sợ quỷ, không tin tà ma. Đừng mong chúng tôi khuất phục trước lý lẽ tà đạo và bá quyền (chỉ Mỹ - PV)".

Tôn Kiến Quốc (trái) trao đổi với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter bên lề Đối thoại Shangri-la. Ảnh: AFP.

Tôn Kiến Quốc (trái) trao đổi với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter bên lề Đối thoại Shangri-la. Ảnh: AFP.

Trước những cáo buộc đích danh Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và gây bất ổn ở Biển Đông cũng như gây lo ngại cho các nước láng giềng, ông Tôn cũng "giãy nảy" và trả đũa bằng giọng điệu "bá quyền".

"Các thế lực bên ngoài đừng hòng bắt chúng tôi nuốt 'trái đắng' chịu tổn hại lợi ích, an ninh và chủ quyền (mà Trung Quốc tuyên bố phi pháp ở Biển Đông - PV)." - Tôn Kiến Quốc hống hách tuyên bố.

Ông này "đổi trắng thay đen" khi khẳng định - "Mỹ đã bất chấp lịch sử và pháp lý để 'nói ra nói vào', khiêu khích, ly gián trong khu vực về vấn đề chủ quyền Biển Đông, vốn đã được hình thành... từ rất lâu".

TT nghiên cứu chiến lược & quốc tế (CSIS)
Bonnie Glaser
Tôn Kiến Quốc chuẩn bị rất kỹ, một quyển sổ rất lớn với các câu trả lời được đánh dấu để quan chức này chỉ lật ra để trả lời nhưng cuối cùng ông né hết các câu hỏi. Tôi đã dự 9 Đối thoại Shangri-La và mỗi lần Trung Quốc đều có chiến lược riêng. Năm ngoái họ đối đầu với bài phát biểu của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hagel, năm nay họ mềm mỏng hơn nhiều nhưng rõ ràng là mọi người đều rất thất vọng.

Đa Chiều nhận định, các tuyên bố đầy ngang ngược của Tôn Kiến Quốc trên thực tế đã phần nào tạo được hiệu quả truyền thông, đặc biệt sau khi Trung Quốc công bố sách trắng, đó là ấn tượng rằng Bắc Kinh sẵn sàng "động binh" nếu gặp phải đe dọa.

Nếu là trước đây, chức năng chủ yếu của Hải quân Trung Quốc là phòng ngự và "phản ứng bị động".

Đa Chiều lý giải, nếu không thay đổi chiến lược, Trung Quốc chỉ có thể đứng nhìn vòng vây "chuỗi đảo thứ nhất" ở Thái Bình Dương của Mỹ trở thành hiện thực và nếu xảy ra xung đột, nước này sẽ bị cắt đứt các tuyến hàng hải, "buộc phải cố thủ trong không gian hẹp".

Đa Chiều chỉ ra, trong những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đã có "lần đầu" tham gia tập trận chung với Nga tại vùng biển Nhật Bản, "lần đầu" tham dự  tập trận hải quân lớn nhất quốc tế RIMPAC (2014).

Trong năm nay, Hải quân nước này cũng "lần đầu" tham dự tập trận chung ở Địa Trung Hải và Biển Đen.

Như vậy, thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Bắc Kinh ở Biển Đông vô hình trung đã "giúp" Bắc Kinh có cớ để thay đổi căn bản chiến lược quân sự trên biển - điều mà nước này vẫn phủ nhận.

Và bản thân sự xuất hiện của Tôn Kiến Quốc ở Singapore cũng có thể xem như một đòn "phủ đầu" mà quân đội Trung Quốc nhằm vào Mỹ.

"Bắc Kinh đã lợi dụng diễn đàn công khai để 'hát trên sân khấu của Mỹ'." - Đa Chiều kết luận.

 
Tuyên bố của 3 Bộ trưởng Mỹ-Úc-Nhật
Ba Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Úc, Nhật Bản đề nghị các bên tự kiềm chế, dừng những hoạt động xây dựng, có những biện pháp làm giảm căng thẳng và tránh những hành động gây hấn có thể làm leo thang căng thẳng, kêu gọi chính phủ các bên làm rõ và củng cố những tuyên bố chủ quyền phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại