Chính phủ Thái Lan hôm 9-3 phát động chiến dịch trấn áp quy mô toàn quốc nhằm vào hơn 6.000 tội phạm “có ảnh hưởng”.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon cho biết một danh sách đen liệt kê hơn 6.000 “nhân vật ảnh hưởng” - cụm từ dùng để chỉ các trùm băng đảng và nhân vật quyền lực tham gia hoạt động phi pháp ở Thái Lan - đã được chuyển giao cho các cơ quan chức năng trên cả nước.
Nằm trong chiến dịch này, cảnh sát đã đột kích 8 địa điểm ở tỉnh Nakhon Pathom hôm 8-3, thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược và 2 triệu baht tiền mặt (hơn 1,2 tỉ đồng).
Các cơ quan tình báo phải mất đến 4 tháng thu thập thông tin để lập ra danh sách đen, với hơn 6.000 người bị xếp vào 16 danh mục tội phạm.
Trong danh sách có cả các quan chức chính phủ và an ninh nhưng ông Prawit không tiết lộ họ phạm tội gì.
Dù vậy, vị phó thủ tướng nhấn mạnh cần mạnh mẽ chống lại những cá nhân nói trên, bất chấp họ là ai và bè phái chính trị của họ mạnh thế nào.
Theo báo Bangkok Post, ông Prawit cũng tuyên bố các quan chức nhà nước, quân sự và cảnh sát dính líu đến “thế lực đen tối” cũng không thể thoát.
Cùng ngày, Tư lệnh quân đội Thái Lan Theerachai Nakwanich cho biết cuộc trấn áp những “nhân vật ảnh hưởng” đã bắt đầu từ lâu nhưng sẽ được đẩy mạnh trong 6 tháng tới, được duy trì cho đến khi tất cả đối tượng - ngay cả người trong quân đội - bị thanh trừng để người dân được sống bình yên.
Ông Theerachai, hiện là Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO), đã ra lệnh cho các đơn vị NCPO tại mỗi vùng bắt tay với nhà chức trách và cảnh sát địa phương để truy bắt các nhóm tội phạm có ảnh hưởng.
Ngoài ra, các cơ quan nhà nước được lệnh tìm hiểu xem liệu nhân viên mình có dính líu tới mạng lưới của “nhân vật ảnh hưởng” nào hay không.
Theo một tài liệu bị rò rỉ, cựu tướng quân đội Trairong Intaratat (được cho là có quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra) và Karun Hosakul (cựu nghị sĩ Đảng Pheu Thai) có tên trong danh sách đen.
Điều này dẫn đến những lo ngại cho rằng chiến dịch trấn áp mang động cơ chính trị.
Bà Siripan Nogsuan Sawasdee, nhà khoa học chính trị tại Trường ĐH Chulalongkorn, cho rằng chính phủ cần bảo đảm cuộc đàn áp sẽ “không vi phạm nhân quyền hoặc được sử dụng để trừ khử các đối thủ chính trị”.
Chuyên gia này cũng nói thêm chính phủ nên xác định rõ cụm từ “nhân vật có ảnh hưởng” bởi nó có thể được hiểu là những người có ảnh hưởng tới suy nghĩ của người dân.
Tuy nhiên, ông Prawit khẳng định chiến dịch mới nhất chỉ nhằm vào tội phạm, không phải người chỉ trích chính quyền quân sự.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng khẳng định cuộc trấn áp không mang động cơ chính trị và những người phạm pháp phải bị trừng phạt.
Tuy nhiên, phát ngôn viên cảnh sát Krissana Pattanacharoen thừa nhận trong danh sách có cả những chính khách địa phương và những “người mặc đồng phục” đang khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn.
3.000 người cho vay nặng lãi
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Thái Lan Dusadee Arayawut hôm 8-3 tiết lộ cơ quan này cũng lập danh sách đen gồm vài ngàn đối tượng bị cáo buộc dính líu đến những hoạt động phi pháp như xâm lấn rừng, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, buôn bán ma túy trong nhà tù, trốn thuế, cho vay nặng lãi và lừa đảo du khách nước ngoài.
Chỉ tính riêng hoạt động cho vay nặng lãi bất hợp pháp đã có đến 3.000 người dính líu, hầu hết ở các tỉnh Pathum Thani và Uthai Thani.