Tập Cận Bình phớt lờ sức ép của ASEAN về Biển Đông

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra bình thản trước sức ép của ASEAN về vấn đề tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng trên Biển Đông.

Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước các nghị sĩ quốc hội Indonesia, ông Tập Cận Bình không “đả động” gì tới yêu cầu của các nước trong khu vực, với sự hưởng ứng của Washington, rằng Bắc Kinh phải giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền qua các cuộc đàm phán đa phương chứ không phải thương lượng song phương.

 	Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo 	Bambang Yudhoyono trong cuộc họp báo chung tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Jakarta ngày 2/10.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong cuộc họp báo chung tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Jakarta ngày 2/10.

Dự kiến vấn đề biển Đông sẽ phủ bóng lên 2 Hội nghị thượng đỉnh của khu vực gồm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Brunei trong tuần tới và Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Bali, Indonesia từ 1/10-8/10.

“Về sự bất đồng và tranh chấp giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải, hai bên phải luôn đề cao các biện pháp hòa bình nhằm duy trì mối quan hệ song phương tổng thể và sự ổn định của khu vực”, ông Tập Cận Bình phát biểu.

“Trung Quốc phát triển theo hướng trở thành một lực lượng hòa bình và hữu nghị trên thế giới, đem lại cơ hội phát triển chứ không phải mối đe dọa cho châu Á và thế giới”, ông Tập nói.

Tháng trước, Phiippines cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) bằng việc xây các cột bê tông tại bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Dư luận trong khu vực lo ngại rằng việc Trung Quốc dựa vào sức mạnh hải quân ngày càng tăng của mình để khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên dầu khí này có thể dẫn tới một cuộc xung đột có vũ trang.

Indonesia, quốc gia Đông Nam Á không tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, tự nguyện làm trung gian hòa giải và đã từng chỉ trích Trung Quốc không tỏ ra kiềm chế trong các cuộc tranh chấp.

“Điều chúng tôi mong đợi được nghe từ Chủ tịch Tập Cận Bình là liệu Trung Quốc có thiện chí trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông không. Nhưng ông ấy không đề cập gì tới vấn đề này cả nên tôi cảm thấy rất thất vọng”, nghị sĩ Tantowi Yahya nói.

Ông Tập muốn dùng chuyến thăm Indonesia để đẩy mạnh mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á và cho biết Trung Quốc hi vọng kim ngạch thương mại với ASEAN sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Sau Indonesia, ông Tập sẽ tới thăm Malaysia.

Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia sau Nhật Bản. Dự kiến trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên sẽ kí kết một loạt thỏa thuận, chủ yếu ở lĩnh vực khai khoáng, trị giá hơn 30 tỷ USD.

Chỉ có khoảng 1/3 số nghị sĩ quốc hội Indonesia tham dự bài phát biểu của ông Tập, bài phát biểu đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài tại quốc hội nước này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại