Tập Cận Bình cải cách quân đội khiến Nga bất an?

Hải Võ |

Trong cuộc cải cách lớn của Tập Cận Bình, hôm 1/2, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tuyên bố thành lập 5 đại chiến khu mới, thay cho 7 đại quân khu ban đầu.

Thân tín của Tập Cận Bình kiểm soát khu vực giáp Nga

Việc Quân ủy trung ương Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, quyết định thay đổi "quân khu" thành "chiến khu" được truyền thông quốc tế đánh giá là mang ý nghĩa thay đổi chiến lược.

Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei, Nhật Bản) ngày 1/2 bình luận, cuộc cải cách quân đội của ông Tập là lần "nâng cấp" quy mô lớn nhất trong lịch sử quân sự Trung Quốc, giúp nâng cao năng lực và hiệu quả quân đội nước này, đồng thời tạo ra "những nhân tố gây bất ổn khu vực".

Theo Nikkei, mục tiêu cơ bản của đợt cải cách này là bảo đảm PLA trong tương lai có được khuôn khổ quân lực tương đương với quân đội Mỹ.

Nếu Trung Quốc quyết định tấn công quân sự đối với Đài Loan, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hoặc các đảo gần Trung Quốc ở vùng biển Nhật Bản, Chiến khu Đông sẽ phụ trách các hành động này.

Đặc biệt, Nikkei cho hay, bất chấp quan hệ Nga-Trung đang ở giai đoạn tốt đẹp, sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh "về dài hạn là một vấn đề khiến Moscow e ngại".

Mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Nga trở nên rõ ràng hơn sau khi Chiến khu Bắc được thành lập. Tư lệnh chiến khu này là Thượng tướng Tống Phổ Tuyển, cựu Tư lệnh quân khu Bắc Kinh, một trong những tướng lĩnh thân cận nhất của Tập Cận Bình.

Trang Đa Chiều (Mỹ) từng đánh giá, tướng Tống được trọng dụng bởi trung thành với ông Tập và có kinh nghiệm chỉ huy.

Trước quân khu Bắc Kinh, ông này từng nắm giữ nhiều chức vụ tại các đại quân khu Tế Nam, Nam Kinh. Quân khu Nam Kinh được đánh giá là "cơ sở quyền lực" của ông Tập Cận Bình.

Từ 2013-2014, Tống Phổ Tuyển còn giữ chức Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Việc bổ nhiệm một tướng lĩnh từ quân khu Bắc Kinh - "quả đấm thép" của kinh thành - làm lãnh đạo Chiến khu Bắc mới thành lập là động thái chứng minh nhà lãnh đạo Trung Quốc hết sức chú trọng vấn đề an ninh quân sự khu vực biên giới giáp Nga và Triều Tiên.

Cũng theo chính sách mới trong cuộc cải cách, Bắc Kinh sẽ cho phép điều động lực lượng tinh nhuệ ra nước ngoài "trong những tình huống khẩn cấp", nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng quốc tế của nước này.


Bắc Kinh chia lại các đại chiến khu nhằm mục đích tái cơ cấu quyền lực quân đội, nâng cao khả năng chiến thắng trong chiến tranh. (Ảnh minh họa: Reuters)

Bắc Kinh "chia lại" các đại chiến khu nhằm mục đích tái cơ cấu quyền lực quân đội, nâng cao khả năng "chiến thắng trong chiến tranh". (Ảnh minh họa: Reuters)

Chính sách quốc phòng và chiến lược quân sự của Trung Quốc có thay đổi?

Tại cuộc họp báo ngày 1/2, người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho hay, Trung Quốc vẫn sẽ tuân thủ chính sách quốc phòng phòng thủ tích cực, "không thể thay đổi".

"Vòng cải cách chiến khu này được xác định căn cứ theo nhiệm vụ mà quân đội phụ trách và môi trường an ninh quốc gia, có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và phát triển lợi ích quốc gia, gìn giữ hòa bình thế giới và ổn định khu vực," ông Dương nói.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tại lễ thành lập chính thức 5 đại chiến khu, cải cách quân đội nhằm bảo đảm lực lượng của PLA "biết đánh trận, có thể đánh thắng trận".

Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) cho biết, trong 5 tân Tư lệnh các đại chiến khu, có 4 người được điều chuyển khỏi địa phương ban đầu.

Đây được cho là động thái nhằm tránh tình trạng lòng trung thành của quân đội đối với cá nhân tướng chỉ huy cao hơn so với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Cải tổ, cơ cấu hệ thống chỉ huy chiến đấu của PLA là một trong những nội dung quan trọng trong cuộc cải cách do ông Tập khởi xướng, phục vụ mục đích tổng thể là tăng cường sự kiểm soát của Trung Nam Hải và vị thế lãnh đạo của Tập Cận Bình với quân đội.

Strategypage (Mỹ) mới đây đăng tải bài bình luận "Rồng Trung Quốc tỉnh táo hơn, phản ứng nhanh hơn", nói về cuộc cải cách quân đội ở Trung Quốc.

Theo trang này, những quan sát và nghiên cứu đối với cuộc chiến tranh Vùng Vịnh mà Mỹ tham chiến năm 1991 đã đem lại nhiều gợi ý cho những người đứng đầu quân đội Trung Quốc, do đó cuộc cải cách của ông Tập "mang nhiều sắc thái chỉ huy kiểu Mỹ".

Strategypage cho rằng, quân đội Trung Quốc sở hữu sức mạnh lớn, nhưng trước cuộc cải cách, các nguồn lực này phân tán và chia rẽ, tạo khó khăn cho Bộ tổng tham mưu khi muốn tập hợp và tổ chức.

Hiện nay, mục tiêu của PLA là số hóa, thông qua máy tính phân tích và các hệ thống viễn thông hiện đại để thu thập, phân tích và cung cấp phần lớn thông tin theo thời gian thực, giúp việc chỉ huy của những người đứng đầu trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.

Cách phát triển theo hướng công nghệ hóa của PLA đang khiến các thế lực ở châu Á-Thái Bình Dương, gồm cả Mỹ và Nga, phải cảnh giác trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại