Sự thật về lệnh ngừng bắn Minsk 2 ở Ukraine

Hôm 12/5, BBC đã đăng tải một bài viết về thực trạng của lệnh ngừng bắn Minsk 2 ở miền Đông Ukraine theo lời nhà báo Tom Burridge, người vừa mới tác nghiệp hơn một tháng ở đây.

Lệnh ngừng bắn Minsk 2 có được tuân thủ hay không?

Không. Các cuộc giao tranh vẫn diễn ra hàng ngày. Mặc dù quy mô của chúng nhỏ hơn so với trước khi Minsk 2 có hiệu lực, nhưng tại một số thời điểm và một số khu vực nhất định, số vụ giao tranh vẫn rất cao.

Cũng theo BBC, mặc dù không bên nào phải chịu tổn thất quá cao kể từ giữa tháng Hai, nhưng hôm 6/5, quân đội Ukraine cho biết có 5 binh sĩ thiệt mạng và 12 binh sĩ bị thương chỉ trong một ngày.

Giao tranh ở đâu dữ dội nhất?

Làng Shyrokyne, phía đông thành phố cảng Mariupol đang phải hứng chịu những trận giao tranh khốc liệt nhất. Bên cạnh đó, tình hình ở phía tây bắc Donetsk, xung quanh làng Pisky (Ukraine kiểm soát) và làng Spartak (ly khai kiểm soát) cũng rất căng thẳng.

Các cuộc giao tranh cũng diễn ra thường xuyên ở Avdiivka, một thị trấn phía nam Donetsk do Ukraine kiểm soát. Tại Luhansk, các khu vực xung quanh làng Stanytsia, Luhanska, Schastia và Trokhizbenka là trọng tâm đối đầu giữa ly khai và chính phủ.

Chiến tuyến có thay đổi?

Kể từ khi ly khai kiểm soát thị trấn Debaltseve và thỏa thuận Minsk có hiệu lực, không bên nào tiến hành các cuộc tấn công lớn nên chiến tuyến giữa hai bên không thay đổi nhiều.

Một khu vực bị tan hoang vì đạn pháo ở Donetsk.

Tuy nhiên, hôm 5/5, chính phủ Ukraine cho biết đã bị mất kiểm soát toàn bộ hoặc một phần của 28 làng và thị trấn kể từ ngày 18/2, ba ngày sau khi Minsk 2 có hiệu lực.

Xung đột có khả năng tái phát?

Theo tuyên bố từ cả phía chính phủ và ly khai Ukraine cũng như thực thế giao tranh vẫn đang tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn thì nhiều người cho rằng việc xung đột bùng phát lại chỉ còn là vấn đề thời gian.

Quân ly khai vẫn tiếp tục tuyên bố mục tiêu kiểm soát toàn bộ hai khu vực miền Đông Ukraine là Donetsk và Luhansk.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gần đây cho biết, cuộc xung đột sẽ chỉ kết thúc khi Ukraine lấy lại được Crimea mà Nga sáp nhập hồi tháng 3/2014.

Cả hai bên liên tục cáo buộc nhau đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn và đang tăng cường vũ khí gần hoặc ngay trên các khu vực chiến tuyến.

Một sự cố gây thương vong đáng kể, dù là vô tình hay hữu ý, cũng có thể khiến cuộc xung đột leo thang một lần nữa.

Chính quyền Kiev sẽ làm gì?

Xung đột ở miền Đông Ukraine có nguy cơ lớn bùng phát trở lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, nền kinh tế Ukraine sẽ giảm tới 5,5% trong năm nay. Nếu không có sự hỗ trợ đáng kể từ các đồng minh Mỹ và châu Âu, Ukraine sẽ rất khó có đủ tài chính để đối đầu với ly khai.

Tình hình kinh tế ở khu vực do ly khai kiểm soát ở miền Đông Ukraine cũng rất ảm đạm. Nhiều người trẻ tuổi đã rời bỏ nơi đây khiến cho số người trong độ tuổi lao động giảm mạnh. Trong khi đó, những người cao tuổi thì không thể nhận lương từ Kiev.

Các ngân hàng đều dừng hoạt động; nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.

Theo BBC, chính phủ Ukraine có thể sẽ chuyển những gánh nặng từ hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk cho Moscow.

Ly khai sẽ làm gì?

Với tình hình kinh tế ảm đạm, ly khai có thể sẽ càng thêm quyết tâm chiếm thêm thành phố cảng Mariupol hoặc các khu vực có nền công nghiệp phát triển khác để khiến cho các khu vực mình kiểm soát có giá trị hơn.

Tuy nhiên, ly khai cũng hiểu được rằng việc thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn có thể sẽ gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây.

Mặc dù Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã gửi quân tới đào tạo và viện trợ vũ khí phi sát thương cho quân chính phủ Ukraine nhưng hiện tại họ sẽ không hành động gì thêm nếu như tình hình vẫn diễn tiến bình thường như hiện nay.

Một cuộc tấn công của quân ly khai có thể khiến mọi thứ thay đổi. Tổng thống Mỹ Obama có thể sẽ phải buộc cung cấp vĩ khí sát thương cho Ukraine.

Trung Quốc đứng đâu trong thế chân vạc Nga-Trung-Mỹ?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại