"Lệnh ngừng bắn giới hạn"
Hiện nay, các tay súng al-Nusra đang đóng quân tại rất nhiều vùng lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát tại Syria, nhất là khu vực trung tâm, cụ thể là tỉnh Idlib.
Bên cạnh nguồn gốc là "cái nôi" của al-Qaeda, al-Nusra cũng chiến đấu trên danh nghĩa Jaish al-Fatah, một lực lượng nổi dậy có tiếng ở Syria. Do vậy, rất khó để phân biệt giữa al-Nusra với các lực lượng nổi dậy khác ở nhiều khu vực tại Syria.
Nhưng theo chuyên gia Landis, cũng có khá nhiều các khu vực tại Syria không có sự hiện diện của al-Nusra. Vì thế, sẽ thực tế hơn nếu coi đây là một lệnh ngừng bắn giới hạn và chỉ áp dụng ở một số vùng lãnh thổ nhất định.
Đơn cử là tại các khu vực phía bắc Aleppo, nơi không quân Nga trước lệnh ngừng bắn luôn tập trung oanh tạc, và cũng là nơi Thổ Nhĩ Kỳ không hề muốn rơi vào tay lực lượng người Kurd hay quân chính phủ Syria, gần như không có bóng dáng của al-Nusra.
Hiện nay, thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ sắp xếp không bao gồm al-Nusra, song phe nổi dậy lại muốn lệnh ngừng bắn được áp dụng cho cả tổ chức này, bởi họ lo ngại Nga sẽ tận dụng việc al-Nusra có mặt trong hàng ngũ một số lực lượng nổi dậy để tiếp tục không kích.
Nga sẽ tiếp tục không kích các lực lượng nổi dậy có liên kết với al-Nusra? Ảnh: Breibart.
Theo ông Landis, quan điểm của phe nổi dậy không phải là không có cơ sở. Nhưng ông chỉ ra rằng, điều mà các lực lượng chống Assad lo ngại nhất không phải là an nguy cho các lực lượng nổi dậy đang tham chiến cùng al-Nusra, mà họ lo cho chính al-Nusra.
Chuyên gia này phân tích, dù trên danh nghĩa là một nhánh của al-Qaeda, nhưng al-Nusra chính là thế lực thiện chiến nhất của lực lượng nổi dậy. Giờ đây, nếu bị Nga tập trung không kích, al-Nusra sẽ gặp nguy. Mà al-Nusra suy sụp thì phe nổi dậy cũng lao đao.
Còn nhìn từ góc độ của phe nổi dậy, thì nếu họ chấp thuận một lệnh ngừng bắn không bao gồm al-Nusra, thì al-Nusra sẽ lên án phe nổi dậy bán đứng đồng minh của mình. Ông Landis dự báo, các tay súng nổi dậy sẽ chuyển sang đầu quan cho al-Nusra.
Như vậy, nội bộ phe nổi dậy sẽ lục đục, và đó cũng chính là một phần lý do tại sao Nga và chính phủ Syria muốn áp đặt lệnh ngừng bắn. Họ thừa hiểu rằng các lực lượng nổi dậy "có số má" hiện đang liên kết với al-Nusra sẽ không thể tuân thủ thỏa thuận này.
Từ đó, không quân Nga và Assad sẽ có cớ để tiếp tục đôi công đánh dẹp lực lượng nổi dậy.
3 năm trước, khi Mỹ chính thức gắn cho al-Nusra cái mác tổ chức khủng bố và tiến hành không kích tổ chức này, ai cũng biết rằng ngày này rốt cục cũng đến. Các tay súng al-Nusra xuất hiện trên khắp các mặt trận, và là một phần của lực lượng nổi dậy dòng Sunni.
Và nay, khi quân chính phủ danh chính muôn thuận tìm cách tiêu diệt al-Nusra (nhưng thực chất là tiêu diệt phe nổi dậy), thì có thể nói Mỹ đã biến "cái gai trong mắt" là Assad trở thành "người tốt" với quyết tâm chống khủng bố.
Ai cũng muốn bắt tay al-Nusra
Theo ông Landis, có 2 lý do tại sao al-Nusra trở thành một thế lực máu mặt tại Syria. Thứ nhất, dù trên danh nghĩa là tổ chức cực đoan, nhưng giống với các lực lượng nổi dậy dòng Sunni, tổ chức này có chung mâu thuẫn giáo phái với nhánh Alawi cầm quyền của Assad.
Nhưng quan trọng hơn cả, al-Nusra rất thiện chiến, và binh lực luôn rất hùng hậu do luôn nhận được viện trợ từ đại bản doanh của al-Qaeda. Tổ chức này vừa có năng lực chiến đấu, vừa có tiền, lại được nhiều thế lực "chống lưng".
Với những tay súng al-Qaeda có 20 năm kinh nghiệm chiến trường, al-Nusra giành được nhiều thắng lợi trước các lực lượng "còn non" của chính phủ Assad. Các lực lượng nổi dậy khác hiểu điều này, nên ai cũng muốn bắt tay cùng al-Nusra.
Và cũng chính vì vậy, nên al-Nusra nhiều khả năng sẽ chính là yếu tố phá hỏng lệnh ngừng bắn hiện nay tại Syria.