Cuộc chiến ở Syria "đổi chiều", phe nổi dậy thay đổi ra sao?

Ngọc Minh |

Vì mục tiêu của mình ở Syria, Abdulfatah al-Shahab và lực lượng của mình đã 2 lần đổi phe: "Kẻ thù" trở thành đối tác, "bạn" lại trở thành kẻ thù.

"Kẻ thù" biến thành đối tác

Ở một trang trại nằm giữa những cánh đồng lúa mỳ cách Raqqa khoảng 45 km về phía bắc, Abdulfatah al-Shahab, chỉ huy một nhóm phiến quân chán ngán ngồi đếm thời gian.

Kế hoạch chiến đấu của ông này đang phải dừng lại vì lệnh ngừng bắn chính thức được có hiệu lực ở Syria từ ngày 27/2.

Al-Shahab từng đối đầu với các chiến binh người Kurd ở Syria trên cùng một chiến trường.

Năm 2013, khi căng thẳng bùng lên giữa YPG và một nhóm nổi dậy Hồi giáo, Ông ta và lực lượng của mình - Lữ Đoàn Cách mạng Raqqa (RRB) đã đứng về phe phiến quân Hồi giáo và tham chiến chống với người Kurd trong khoảng 1 tháng.

Vài tháng sau đó, RRB thề trung thành với tổ chức cực đoan Mặt trận al-Nursa, bởi họ cần được bảo vệ khỏi IS - vốn coi những nhóm nổi dậy Hồi giáo khác là những kẻ bội giáo cần phải bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Syria "đổi chiều", RRB lại gia nhập liên minh nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn, chiến đấu bên cạnh "đối thủ" một thời là người Kurd.

Một phần là bởi họ cần vũ khí để tấn công vào Raqqa, một phần khác là do phe đối lập có vũ trang đã mất các vùng đất do mình kiểm soát vào tay lực lượng chính phủ và các đồng minh Nga, Iran.

Với al-Shabab, đây là cách duy nhất để có thể đạt được mục tiêu - giành quyền kiểm soát Raqqa, thành trì của khủng bố IS ở Syria.

"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Đằng sau chúng tôi là người Kurd, trước mặt chúng tôi là IS. Chúng tôi không có lối thoát nào nữa".

RRB có hơn 1.500 chiến binh - rất nhiều người từng là cư dân ở Raqqa, đang kiểm soát một khu vực đóng vai trò "tiền tiêu" dài 15 dặm ở phía tây bắc Raqqa và được cho là nhân tố không thể thiếu trong bất cứ nỗ lực nào nhằm tái chiếm thành phố này.

Câu chuyện của al-Shahab và lực lượng nổi dậy của mình đã cho thấy, những chương trình nghị sự khác nhau ở Syria có thể làm suy yếu chiến dịch chống IS ở Syria - vốn không thuộc phạm vi áp dụng của thỏa thuận ngừng bắn - tới mức nào.

Những lực lượng này "tụ" lại vì cần nhau, hơn là vì có chung quan điểm chính trị và kế hoạch hành động.

Ví dụ như, RRB coi giành lại Raqqa là mục tiêu chính, song nó lại không phải là ưu tiên của Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Các chiến binh người Kurd đang cố gắng mở rộng lãnh thổ do mình kiểm soát.

Phát ngôn viên chính quyền người Kurd non trẻ ở bắc Syria Nasir Haj Mansour thừa nhận, YPG quan tâm tới việc nối liền 2 vùng đất của người Kurd hiện đang bị chia tách ở bắc Syria, hơn là phối hợp với RRB và các đối tác khác nhằm đuổi IS khỏi Raqqa.

Báo Mỹ
Wall Street Journal
Thách thức lớn đối với liên minh chống IS ở Syria là tạo ra được một mặt trận thống nhất giữa các chiến binh người Ả-Rập, người Kurd và người Turkmen, có khả năng đánh bại IS.

"Chưa có đủ sức mạnh chiến đấu để đầy lùi IS"

Hiện nay, Mỹ đang cung cấp đạn dược cho Lực lượng Dân chủ Syria - hay còn được gọi là Liên minh Syria Ả Rập - một nhóm được tổ chức lỏng lẻo, bao gồm khoảng 10 nhóm nổi dậy, với tổng cộng 5.000 chiến binh người Sunni.

Đặc nhiệm Mỹ đang tiến hành huấn luyện các chiến binh Ả Rập và người Kurd ở đông bắc Syria, song theo giới chức quân sự Mỹ, chưa rõ khi nào và liệu RRB có nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ hay không.

RRB thì cho hay, họ có được một phần nhỏ đạn dược từ 150 tấn viện trợ quân sự mà Mỹ thả xuống cho Lực lượng Dân chủ Syria.

Trước khi trực tiếp hỗ trợ cho các nhóm nổi dậy kiểu này, quân đội Mỹ sẽ đánh giá mức độ tin cậy của thủ lĩnh và yêu cầu nhóm đó cam kết phải chống IS chứ không phải Assad. Họ cũng phải cam kết tuân thủ quy định của cuộc nội chiến và không vi phạm nhân quyền.

Một quan chức quân đội Mỹ giấu tên khẳng định, chưa có lực lượng nổi dậy nào sẵn sàng tái chiếm Raqqa.

"Kế hoạch vẫn đang diễn ra, nhưng chúng ta cần phải tìm ra cách để tạo ra sức mạnh chiến đấu đủ để giành lại Raqqa một cách hiệu quả. Chúng ta vẫn chưa có được điều đó".


Một thủ lĩnh của RRB đứng bên cạnh lá cờ của lực lượng Quân đội Syria Tự do - một lực lượng đã từng nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.

Một thủ lĩnh của RRB đứng bên cạnh lá cờ của lực lượng Quân đội Syria Tự do - một lực lượng đã từng nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.

Về phần mình, một nhân vật cấp cao của YPG chia sẻ một vài tay súng của RRB bị người dân tố ăn trộm và bắt cóc, song "chúng tôi vẫn buộc phải phối hợp với họ".

"Họ là những người con của Raqqa. Để giải pháp Raqqa, chúng tôi cần lực lượng địa phương nhằm ngăn chặn cáo buộc người Kurd chiếm đất của người Ả Rập".

Người Kurd và những người Ả Rập trong khu vực này - chủ yếu theo dòng Hồi giáo Sunni, đã từng xảy ra mâu thuẫn về tôn giáo.

Hồi năm ngoái, YPG đã bị cáo buộc đuổi người Ả Rập và người thiểu số Turkmen khỏi 12 tỉnh ở đông bắc Syria - dù rằng YPG phủ nhận động cơ sắc tộc trong hành động đó của mình.

Vì thế, nhiều khả năng căng thẳng này lại sẽ nổ ra nếu người Kurd cố gắng tái chiếm Raqqa, khiến cư dân Ả Rập ở đây có thể đứng về phía IS.

Các quan chức Mỹ cũng phải thừa nhận rằng, trong cuộc chiến chống IS, vẫn còn những hạn chế trong vấn đề người Kurd tại các khu vực ngoài địa bàn sính sống của họ ở bắc Syria.

"Người Kurd hiểu rằng họ gặp vấn đề lớn khi muốn mở rộng về phía nam. Họ cần phải có một lực lượng Ả Rập để làm điều này".

Cả YPG và RRB đều hiểu rằng, họ cần phải vượt qua những chương trình nghị sự đầy mâu thuẫn và mối quan hệ vốn có nhiều mâu thuẫn nếu Raqqa thoát khỏi vòng kiểm soát của IS.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại