Liên minh 4+1 của Nga sẽ trở thành "bá chủ" ở Trung Đông?

Ngọc Minh |

Liên minh đang mạnh lên giữa Nga, Iran và Syria hiện là vấn đề số một ở Trung Đông hiện nay, theo cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey.

"Vấn đề số một ở Trung Đông"

Mới đây, cựu Đại sứ Mỹ James Jeffrey tại Iraq đã lên tiếng về một xu thế mới tại Trung Đông gần đây mà theo ông, là đáng lo ngại.

“Chúng ta đang gặp vấn đề với Iran, Syria, Nga hiện nay tại Trung Đông. Đây là vấn đề số một của toàn bộ khu vực.. Cùng với việc chúng ta còn gặp vấn đề với IS, thì điều này nói lên rất nhiều thứ".

Theo ông Jeffrey, ít nhất thì IS đã bị chiến dịch của liên quân do Mỹ dẫn đầu đẩy lui được một chút tại Iraq, khi quân đội nước này, với sự yểm trợ của không quân Mỹ, đã tái chiếm thành phố Ramadi, cách thủ đô Baghdad chưa đầy 100km, từ tay khủng bố vào đầu tháng Một.

Chiến dịch này đã gây thiệt hại nghiêm trọng nhất đối với thị trường dầu "chợ đen" của IS - nguồn thu chủ yếu của nhóm khủng bố này, đồng thời tấn công kho trữ tiền mặt, phá huỷ hàng trăm triệu USD trong ngân quỹ của IS.

Trong khi đó, Nga, Syria và Iran lại có những bước tiến lớn tại Syria và toàn bộ Trung Đông. Vào thời điểm này năm ngoái, có vẻ việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ là điều không tránh khỏi.

Nhưng hiện nay, Assad đã giữ chắc mặt trận phía nam và có thể sẵn sàng giải phóng Aleppo. Nhờ sự trợ giúp của các đồng minh Nga và Iran, quân đội của Assad đang tiến về phía thành trì của IS tại Raqqa. Liên quân Nga-Iran-Syria đã mạnh lên rất nhiều so với năm ngoái.

Mặc dù đã có lúc, mối quan hệ của Iran và Nga trở nên căng thẳng, song thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với P5+1 - đạt được hồi tháng Bảy, đã thúc đẩy một số thỏa thuận về kinh tế và quân sự giữa 2 nước, trong đó bao gồm tiếp tục ủng hộ đồng minh chung ở Syria.

Nga đã mở rộng tầm ảnh hưởng tại Syria - không chỉ giúp đỡ được Assad, mà còn thiết lập quan hệ hợp tác với Hezbollah - một tổ chức tại Lebanon được Iran hậu thuẫn, song lại bị Mỹ coi là khủng bố.

Bên cạnh đó, Hezbollah và Nga được cho là đang phối hợp với nhau rất nhịp nhàng để cùng giúp đồng minh chung Assad khi ông này tiếp tục chiến đấu chống phiến quân tại Syria.

Dù từng là kẻ thù của Iraq, song gần đây, Iran đã củng cố được ảnh hưởng với chính phủ Iraq mới mà ở đó, người Hồi giáo dòng Shitte chiếm đa số.

Đảm bảo quyền kiểm soát thực tế đối với lực lượng dân quân vũ trang người Shitte ở Iraq PMU là một trong những cách thức chính mà Iran sử dụng để tăng cường ảnh hưởng của mình.

Ông Jeffrey nhấn mạnh, về mặt chiến lược, "không phải tất cả, song hầu hết các quan sát viên đều tin rằng Iran đang cố gắng thiết lập vị thế cường quốc khu vực.

Mục tiêu của Iran là "thống nhất tất cả người Hồi giáo Shitte, về quan hệ ngoại giao thì liên kết như một nhà nước và về ý thức hệ chính trị thì như một chính đảng".

Cựu Đại sứ Mỹ ở Iraq
James Jeffrey
Mọi thứ đang chuyển biến không theo hướng chúng ta định ra.

Thỏa thuận "quan trọng nhất trong khu vực"

Một liên minh giữa Nga, Iran, Iraq, Syria và Hezbollah đã hình thành vào tháng 9/2015. Tổng biên tập nhật báo Arab Al-Akhbar, ông Ibrahim al-Amin, tiết lộ, 5 quốc gia này đã bí mật thảo luận và thành lập liên minh quân sự - gọi là “4+1”.

“Thoả thuận thành lập liên minh bao gồm các cơ chế hành chính cho hoạt động hợp tác về chính trị và tình báo cũng như (hợp tác) quân sự trên chiến trường tại một số khu vực ở Trung Đông, chủ yếu là Syria và Iraq”.

Ông al-Amin đánh giá, thỏa thuận này là diễn biến “quan trọng nhất của khu vực và thế giới trong nhiều năm qua”.

Ông này cho rằng, trong khi liên minh này, nhìn bề ngoài, là nhằm chống IS, nhưng hiện chưa rõ, và cũng có khả năng đây không phải là mục đích duy nhất của họ, đặc biệt là khi có bằng chứng cho thấy Nga, Syria và Hezbollah trực tiếp tham chiến chống các đối lập Syria.

Chuyên gia người Israel
Ely Karmon
Chiến dịch quân sự của Nga tại khu vực càng kéo dài, liên minh với Iran và Hezbollah càng trở nên mạnh hơn, có khả năng (liên minh manh hơn) với cả với chính phủ người Hồi giáo Shitte ở Baghdad.

Trong ngắn hạn, liên minh 4+1 sẽ là rào cản cho sự thành công của thỏa thuận ngừng bắn mới có hiệu lực tại Syria, cây viết Russ Read của tờ Daily Caller nhận định.

Trên thực tế, ngay khi đàm phán về thỏa thuận này đang diễn ra, Nga vẫn tiến hành các cuộc không kích. Phiến quân Nga cũng lo ngại Nga sẽ tận dụng "lỗ hổng" trong lệnh ngừng bắn - đặt IS và Mặt trận al-Nursa ngoài phạm vi áp dụng - để tiếp tục tấn công đối lập.

Chuyên gia Sergey Aleksashenko từ Viện Brookings mô tả xung đột lợi ích đang diễn ra tại Syria và toàn bộ khu vực Trung Đông như một “thảm hoạ ba bên” giữa Mỹ, Nga và Iran.

“Điều này nghe có vẻ đáng kinh ngạc, song bên yếu nhất trong tam giác này là Mỹ”.

Ông Aleksashenko lý giải, năng lực duy trì liên minh chính trị của Mỹ đã suy yếu, trong khi lợi ích chung của Nga, Syria, Iran lại mở đường cho họ giành được vị thế ngày càng tăng, khiến Mỹ khó có thể ngăn chặn. Quan điểm này cũng được cựu Đại sứ Mỹ chia sẻ.

Tướng quân đội Mỹ về hưu Wesley Clark cho rằng, cách thức đối phó với Nga tại Syria có thể bắt đầu bằng việc NATO củng cố khu vực biên giới ở vùng Baltic và Ukraine, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt mới chống Nga.

Ông Jeffrey thì tin rằng, Mỹ cần phải gây ảnh hưởng ở Iraq bằng cách ủng hộ những thứ vốn có tại quốc gia này, song vẫn luôn phải ghi nhớ về những giới hạn của mình.

Tuy nhiên, ông Aleksashenko nhận định, trước khi thiết lập một chiến lược nhằm giải quyết vấn đề, các nhà lập pháp Mỹ cần phải có một mục tiêu cụ thể.

“Chính sách "cứ chờ xem" của Mỹ sẽ không giúp nước này thiết lập những lợi ích và mục tiêu chiến lược rõ ràng tại Syria. Sau cùng, không thể thiết lập một chiến lược để đạt tới một mục tiêu mà bạn thậm chí còn không có".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại