Trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra hôm 25/4 đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương, hàng ngàn người mất nhà cửa và đang phải đối mặt với đói kém bệnh tật, theo số liệu mới nhất sáng 28/4.
Cả thế giới đang hướng về Nepal nhằm giúp đỡ những con người khốn khổ qua cơn hoạn nạn.
Nhưng trong khi đó, hàng chục người leo lên đống đổ nát của tháp Dharahara – tòa tháp cao nhất Nepal để có được những bức hình “độc”, ghi lại “thời khắc lịch sử” của cuộc đời.
Một nhân viên cứu hộ của Nepal bất bình, “những người này thực sự không hiểu thấu được nỗi đau của đồng loại trong thảm kịch khủng khiếp vừa qua”.
Pawan Thapa - 1 sinh viên 21 tuổi, thành viên của đội tình nguyện hỗ trợ trong trận động đất bức xúc, “Họ cho rằng, họ đang đi du lịch tới hiện trường của một trận động đất lịch sử? Và họ đang cố chụp ảnh tự sướng, cố để có những bức hình? Họ nhầm rồi.
Những gì Nepal đang hứng chịu, thực sự là một thảm kịch kinh hoàng”.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết, những người đến chụp ảnh tại tòa tháp chủ yếu là người dân địa phương chứ không phải khách du lịch.
Hiện, vẫn chưa rõ có bao nhiêu người bị vùi lấp dưới đống đổ nát của tòa tháp khi động đất ập tới. Nhưng các quan chức Nepal cho rằng, có tới ít nhất gần 200 người, chủ yếu là khách du lịch.
Tòa tháp Dharahara, hay còn gọi là tháp Bhimsen, từng là tòa tháp cao nhất ở Nepal với 9 tầng tháp (60 mét). Tháp Dharahara được xây dựng vào năm 1832 và thời cố Thủ tướng Nepal, Bhimsen Thapa.
Suốt gần 200 năm qua, tháp Dharahara sừng sững giữa Kathmandu và là một trong những công trình cao nhất tại đất nước Nepal.
Trận động đất kinh hoàng hôm 25/4 đã khiến tòa tháp sụp đổ hoàn toàn cùng nhiều công trình văn hóa cổ xưa khác của Nepal từng được UNESCO công nhận là di sản thế giới, tất cả đều nằm ở thung lũng Kathmandu.