"Sẽ không có chuyện Mỹ chịu xuống nước với Trung Quốc"

Đức Huy |

Trong một bài viết đăng trên TASS hôm 26/5, tác giả Lyudmila Alexandrova tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia Nga về mối quan hệ Mỹ-Trung và tình hình Biển Đông.

Căng thẳng trên Biển Đông gần đây đã có dấu hiệu leo thang, khiến giới phân tích quan ngại về nguy cơ xảy ra giao tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc hiện đang là tâm điểm của sự chú ý trong giới địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hãng thông tấn TASS cho biết, đa số các chuyên gia Nga đều nhận định trong khi một cuộc đối đầu lớn khó trở thành hiện thực, thì những giao tranh ở mức nhỏ hơn vẫn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ song phương Mỹ - Trung trong một thời gian dài.

Theo những chuyên gia này, tình hình Biển Đông sẽ còn phức tạp trong một thời gian dài, do không hề có dấu hiệu bên nào chịu bên nào.

Về phần mình, Washington đã và đang kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hành vi xây dựng trái phép trên đảo nhân tạo. Để khẳng định lập trường của mình, Mỹ thậm chí đã điều động máy bay tuần tra đi vào không phận các đảo đá nhân tạo phi pháp này.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ
Anthony Blinken
Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng (trái phép) trên các đảo đá đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới quyền tự do đi lại và sự ổn định trên Biển Đông, cũng như có thể dẫn tới giao tranh.

Trong khi đó. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo việc Mỹ tuần tra trong khu vực 12 hải lý là một mối đe dọa đối với hòa bình trong khu vực, đồng thời lên án hành động của Mỹ là "gây hấn".

Tầm quan trọng của Biển Đông với Mỹ và Trung Quốc

"Một cuộc đối đầu quy mô lớn giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm này là rất khó xảy ra, nhưng những vụ việc nhỏ mà nghiêm trọng khác vẫn có thể gây ra những rạn nứt trong quan hệ hai nước trong một thời gian dài".

Đó là nhận xét của nhà nghiên cứu kì cựu Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) Nga. Ông Kashin còn nói thêm, quan hệ Mỹ-Trung nhiều khả năng sẽ bất ổn trong nhiều thập kỉ sắp tới.

"Mỹ nghĩ rằng cứ cứng rắn là Trung Quốc sẽ nhún nhường, nhưng đây là một sai lầm chết người. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đáp trả, vì Biển Đông đối với Bắc Kinh có tầm quan trọng đặc biệt về mặt chiến lược" - ông Kashin phân tích.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, với những đầu tư mạnh mẽ về quân sự, đặc biệt là hạm đội tàu ngầm hạt nhân trị giá hàng chục tỉ USD trên đảo Hải Nam, có thể thấy Biển Đông đang là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ lo ngại rằng nếu Trung Quốc nắm vị thế số một về quân sự trong khu vực, hạm đội hải quân Mỹ sẽ khó lòng tự do đi lại trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương.

"Mỹ có rất nhiều thứ để mất trong cuộc đối đầu này, trong đó có tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với các quốc gia ASEAN, điều có liên quan tới uy danh của Mỹ .

Washington muốn khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực. Vì vậy sẽ không có chuyện họ chịu "xuống nước" với Trung Quốc", điều này không hợp với phong cách của Mỹ - ông Kashin nhận định.

Xuống nước với Trung Quốc không phải là phong cách của Mỹ. Ảnh: AP
"Xuống nước" với Trung Quốc không phải là phong cách của Mỹ. Ảnh: AP

Cùng chia sẻ quan điểm với ông Kashin, chuyên gia Ivetta Frolova thuộc Trung tâm Châu Á, Trung Đông - Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga cho rằng, Biển Đông đúng là vấn đề quan trọng nhất đối với Trung Quốc vào thời điểm này.

"Bắc Kinh cho rằng mục đích chính đằng sau những gì Mỹ đang làm tại châu Á - TBD là để khống chế Trung Quốc, do đó giao tranh trên Biển Đông sẽ là một cách để Washington gây áp lực lên Bắc Kinh" - bà Frolova nhận định

Theo bà, việc căng thẳng tiếp tục leo thang là có thể xảy ra, nhưng nguy cơ về một cuộc chiến quy mô lớn gần như không tồn tại.

"Chiến tranh sẽ không xảy ra. Mỹ và Trung Quốc có mối liên hệ quá mật thiết về mặt kinh tế, do đó đối đầu trên Biển Đông giữa hai nước sẽ không vượt quá những cuộc giao tranh nhỏ lẻ" - chuyên gia Frovola khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại