Hổ trốn sạch sang Mỹ, Trung Quốc chỉ có thể đập ruồi

Nhàn Đàm |

Những nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc thường nói rằng, ở đất nước này cái gì cũng kỳ vĩ to lớn hơn hẳn thông thường, từ các công trình kiến trúc cho tới thậm chí là các vụ tàn sát và giết chóc. Thế còn chiến dịch "Đả hổ đập ruồi" thì thế nào?...

Nhắc đến sự kỳ vĩ trong kiến trúc Trung Quốc người ta thường nhắc tới Vạn Lý Trường Thành.

Còn những thiệt hại về sinh mạng con người lớn nhất trong thế kỷ 20 không đến từ hai cuộc thế chiến mà đến từ những nạn nhân của các chiến dịch sai lầm về kinh tế và văn hóa diễn ra ở Trung Quốc.

Cũng tương tự như thế, chiến dịch được gọi với cái tên Đả hổ đập ruồi đang được xem là chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất thế giới trong hàng chục năm trở lại đây.

Chỉ có điều, kỷ lục mà chiến dịch chống tham nhũng này đang tạo ra chỉ là số lượng những con ruồi bị tiêu diệt. Còn những con hổ bự, thì có lẽ là “Không”.

Khi Trung Quoc chi co the dap ruoi.-hinh-anh-1

Khi chọn lựa cái tên chính thức cho chiến dịch chống tham nhũng quy mô và đồ sộ bậc nhất không chỉ trên thế giới vào thời điểm hiện tại mà có lẽ còn là chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, chủ tịch nước này là Tập Cận Bình đã chọn cái tên “đả hổ đập ruồi” để đưa ra trước truyền thông.

Cái tên này có ý nghĩa về một sự kiểm tra sâu sắc và toàn diện với các loại tội phạm tham nhũng trong toàn bộ hệ thống, từ những quan chức cao cấp (hổ) cho tới những quan chức cấp thấp nhất (ruồi). 

Và để minh chứng cho sự nghiêm ngặt và toàn diện này, hai trong số những quan chức cao cấp nhất được chọn làm vật tế thần, đó là Chu Vĩnh Khang một bộ trưởng an ninh đầy quyền lực và Từ Tài Hậu – một vị tướng nhiều quyền lực trong quân đội.

Bắt giữ hai nhân vật đầy quyền lực này và đặc biệt là cách thức bắt giữ ấn tượng được lăng xê hết mức trên các phương tiện truyền thông, Bắc Kinh muốn truyền tải một thông điệp rằng, không một con hổ nào là không thể đụng đến.

Nhưng với những người hiểu chuyện thì đó giống như một vở kịch hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 100.000 quan chức đã bị điều tra và thậm chí là bắt giữ trong chiến dịch chống tham nhũng quy mô này, nhưng số quan chức cấp cao được gọi với cái nickname là “hổ” bị điều tra vẫn rất hạn chế, trong khi đây mới là đối tượng bị coi là có mức độ tham nhũng lớn nhất.

Đa số những quan chức bị bắt giữ và điều tra đều là những quan chức hạng trung, nơi tham nhũng không nhiều và chỉ được xem như một biện pháp điều chỉnh những bất cập của hệ thống lương bổng ở Trung Quốc.

Những quan chức đã xin từ chức và thậm chí là tự tử để tránh việc bị điều tra cũng thường là những quan chức nhỏ, những người có ít mối quan hệ có ảnh hưởng để né tránh việc bị truy tố.

Nó cũng đồng nghĩa với việc, đa số những quan chức có máu mặt và nhiều mối quan hệ sẽ ít có khả năng bị điều tra và truy tố hơn.

Nhưng, kể cả những nhân vật như Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu vẫn chưa phải là những con hổ lớn nhất.

Những con hổ lớn nhất mà Trung Quốc muốn tóm cổ hơn hết, lại là những quan chức đã trốn khỏi Trung Quốc và đang lẩn trốn ở nước ngoài, đa số là ở các nước phương Tây nơi họ ít có khả năng bị dẫn độ về nước.

Không có nhân vật nào trong số 10.000 quan chức này có tầm cỡ như Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, nhưng về quy mô thì đây mới là con hổ lớn nhất.

Theo ước tính, từ năm 1988 đến năm 2002 các quan chức này đã đem khoảng 191 tỷ USD tiền tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài.

Trong khi đó, số tài sản trị giá khoảng 16 tỷ USD của Chu Vĩnh Khang đã được coi là đỉnh điểm của một vụ chống tham nhũng trong nước.

Số tiền tham nhũng bị đem ra nước ngoài ngày càng tăng tỷ lệ thuận với quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc những năm gần đây, và thậm chí là không ai ước tính nổi từ năm 2002 đến nay con số này cụ thể đã đạt đến mức nào.

Khi Trung Quoc chi co the dap ruoi.-hinh-anh-2

Và phải thừa nhận rằng, Bắc Kinh đang thu được ít thành tựu hơn hẳn trong việc tìm cách tóm những con hổ béo mập này.

Để có thể bắt giữ và dẫn độ hàng chục ngàn quan chức tham nhũng này cùng tiền của họ về nước, chính phủ Trung Quốc cần có những hiệp ước dẫn độ chính thức với các nước có liên quan, chủ yếu là các nước phương Tây như Canada và đặc biệt là Mỹ.

Đây được xem là điều đặc biệt khó khăn do những khác biệt quá lớn giữa hệ thống chính trị và tư pháp của Trung Quốc với Canada hay Mỹ.

Ở Trung Quốc, các quan chức bị tình nghi có thể bị bắt giữ để phục vụ quá trình điều tra mà chưa có những bằng chứng cụ thể về việc họ đã tham nhũng, nhưng ở Canada và Mỹ thì không.

Muốn bắt giữ và xét hỏi những quan chức tham nhũng đang lẩn trốn ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ phải cung cấp các tài liệu và bằng chứng cụ thể về hành vi phạm pháp của họ cho ngành tư pháp nước sở tại.

Điều này không phải là một việc dễ thực hiện, khi mà các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc thường tìm cách phi tang các hồ sơ chứng từ và đặc biệt là việc tham nhũng của họ thường dính líu đến các dự án quan trọng của nhà nước.

Bất cứ việc cung cấp các tài liệu và bằng chứng này cho nước sở tại cũng đồng nghĩa với việc tiết lộ những bí mật trong các dự án của Trung Quốc.

Khi Trung Quoc chi co the dap ruoi

Chính vì có những khó khăn lớn trong vấn đề này, nên Bắc Kinh đang muốn tìm một giải pháp khác, đó là đề xuất chia khoản tiền thu hồi được từ các quan chức tham nhũng bị tóm cổ với những nước chấp nhận bắt giữ và dẫn độ các quan chức này về Trung Quốc.

Con số mà Trung Quốc đưa ra là tối thiểu 20% số tiền thu được sẽ được trả cho Trung Quốc, còn lại thuộc về nước sở tại. 

Sở dĩ Trung Quốc chấp nhận một con số khiêm tốn như vậy là vì đó vẫn còn hơn là không thu được đồng nào, và việc dẫn độ các tội phạm này về nước sẽ là một sự răn đe với những kẻ tham nhũng trong nước, rằng dù họ trốn ở đâu thì vẫn có thể bị bắt giữ.

Đó mới là lợi ích lớn nhất mà Bắc Kinh nhắm tới. 

Nhưng có vẻ như Mỹ và các nước phương Tây không hứng thú gì lắm với đề xuất hào phóng này từ phía Trung Quốc.

Dù phía Trung Quốc thường đưa ra lập luận rằng việc các quan chức tham nhũng trốn ở nước ngoài sẽ đem lại những hậu quả xấu cho nước sở tại, thì thực tế là các quan chức này lại đang là những nhân tố tích cực đối với nền kinh tế các quốc gia mà họ đang ẩn náu.

Họ có nhiều tiền và không hứng thú gì với việc bị dính líu đến pháp luật ở nước sở tại – một việc có thể khiến họ mất đi chỗ ẩn náu duy nhất của mình.

Đa số các quan chức Trung Quốc khi chạy ra nước ngoài thường chọn lối sống yên ổn và hưởng thụ một cách kín đáo, và điều này trên thực tế là chỉ có lợi cho nước sở tại chứ ít có hại.

Và dù Trung Quốc đã đưa ra một chính sách chia tiền rất hào phóng, và con số tội phạm cần điều tra và dẫn độ mà Trung Quốc đưa ra cho Mỹ khá khiêm tốn khi chỉ có khoảng 100 người trong năm 2014, thì Mỹ vẫn không mấy mặn mà.

Các vụ điều tra diễn ra chậm chạp do thiếu chứng cứ và chủ yếu là do chưa có một hiệp ước về dẫn độ giữa hai nước đã dẫn đến sự trì trệ này.

Và khi mà những con hổ béo nhất này vẫn chưa bị sờ đến, thì ở trong nước, chính phủ Trung Quốc chỉ có thể đập được những con ruồi mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại