Sau khi giải tán chính phủ, thay thế giám đốc điều hành 2 tập đoàn lớn nhất nước là SABIC và Saudi Aramco, quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud (Salman) dường như đã có sự thay đổi trong chính sách ngoại giao, nhất là với Nga.
Thời điểm bước ngoặt xảy ra vào tuần trước tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg: Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Muhammad bin Salman (con trai vua Salman) cùng Bộ trưởng Ngoại giao Adel al-Jubeir, Bộ trưởng dầu mỏ al-Naimi.
Hai bên đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác, trong đó có cả lĩnh vực được cho là nhạy cảm như quân sự, hạt nhân.
Hai bên cũng nhân cơ hội này tìm kiếm cách thức để cải thiện quan hệ song phương, nhất là trên một số lĩnh vực như hợp tác kĩ thuật, năng lượng, đầu tư. Ông al-Naimi có lẽ là người mang tin vui đến cho cả hai, khi nói rằng giá dầu trên thị trường thế giới sẽ tăng trong tương lai gần.
Đặc biệt, vị bộ trưởng này nhấn mạnh, cải thiện quan hệ Riyadh - Moskva sẽ “đưa đến sự hình thành của một liên minh dầu lửa giữa 2 nước vì lợi ích chung của thị trường dầu mỏ thế giới cũng như những nước sản xuất dầu, ổn định hóa thị trường năng lượng”.
Một liên minh như vậy đã từng được Riyadh “bí mật” đề xuất, nhưng bị ông Putin bác bỏ, vì gắn với điều kiện Nga phải thoái lui ảnh hưởng ở Syria, buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi.
Thế nhưng Saudi Arabia hiện nằm dưới một vương triều mới và không phải như một năm trước đây. Và phát biểu của phái đoàn Saudi Arabia tại St. Peterburg là công khai, không còn mang tính thông tin rò rỉ.
Ông Naimi, 80 tuổi, từng khởi nghiệp tại Saudi Aramco từ lúc 11 tuổi, chính là người có quyền lực lớn thứ 2, chỉ sau vua Salman. Thế nên lời nói của ông không phải chỉ là ý kiến của một cá nhân, đó là chính sách, là thực tế và chắc chắn đã được sự đồng ý từ nhà Vua.
Nói một cách đơn giản, tại St. Petersburg, Riyadh đã đưa ra tuyên bố về đường hướng mới trong chính sách đối ngoại.
Một chương mới?
Đây có thể là sự khởi đầu cho một chương mới trong quan hệ Nga – Saudi Arabia.
Trong cuộc gặp với ông Putin, thái tử Muhammad chuyển lời của vua Salman, mời Tổng thống Nga sang thăm Riyadh với một thái độ trân trọng: “Tôi rất vinh dự được chuyển lời mời tới thăm Saudi Arabia, khi chúng tôi xem Nga là một trong những nước quan trọng trong thế giới đương đại và quan hệ giữa hai nước chúng ta có chiều dài lịch sử”, hàm ý Liên Xô (người thừa kế là Nga) chính là nước đầu tiên công nhận nhà nước Saudi Arabia vào năm 1962.
Ông chủ Điện Kremlin đã nhận lời, đồng thời cũng chuyển lời mời quốc vương Salman thăm Moskva. Những thỏa thuận đạt được ở St. Peterburg sẽ là nền tảng để Saudi Arabia và Nga tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Hai bên đồng ý thiết lập nhóm công tác phát triển các dự án dầu lửa, khí đốt chung, nối lại hoạt động của Hội đồng liên chính phủ - một thiết chế đã không hoạt động trong 5 năm qua.
Kênh truyền hình al-Arabiaya đưa tin, Moskva và Riyadh cũng đã ký văn kiện về việc Nga giúp Saudi Arabia xây 16 lò phản ứng hạt nhân.
Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia thì nói rằng, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về lập Quỹ đầu tư trị giá 10 tỉ USD, do Quỹ đầu tư Nhà nước Saudi Arabia (PIF) và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) góp vốn.
Động thái mới trong quan hệ Nga – Saudi Arabia diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Riyadh với Washington có dấu hiệu đi xuống.
Saudia Arabia là nước lên tiếng phản đối việc Mỹ tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Chính quốc vương Salman cũng đã không tới Mỹ hôm 13/5 vừa qua dự hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Tổ chức hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Truyền thông Mỹ thì bình luận, Saudi Arabia không còn là “người bạn gần gũi” của Mỹ, với lưu ý chính sự bùng nổ của ngành công nghiệp dầu, khí đá phiến mà Mỹ đi tiên phong đã hủy hoại vị thế của Riyadh trên thị trường năng lượng quốc tế.