Phương Tây: Nga lớn mạnh, châu Âu "tự bắn vào chân"

Huy Bình |

Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, chính sách cấm vận Nga làm EU thiệt hại nặng nề, còn Nga hiện đã “vượt qua thử thách” và sẽ lớn mạnh.

Châu Âu tăng cường trừng phạt Nga

Truyền thông châu Âu vừa đưa tin, Hội đồng EU ở cấp Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính (ECOFIN) ngày 19/6 đã quyết định kéo dài lệnh trừng phạt chống Crưm thêm một năm nữa mà không cần thông qua phiên thảo luận.

Nguồn tin giải thích rằng “chiến lược không công nhận sự sáp nhập của Crưm vào thành phần Liên bang Nga mang tính chất hiệu lực thường xuyên, vì vậy những hạn chế có trong đó sẽ được tự động cập nhật nếu như tình hình xung quanh bán đảo không trải qua thay đổi căn bản nào”.

Thông thường, các biện pháp hạn chế của Liên minh châu Âu do Hội đồng EU ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao phê duyệt, nhưng các quyết định khi đã được sự đồng ý của tất cả các nước và không đòi hỏi tiếp tục thảo luận, có thể được thông qua tại cuộc họp bộ trưởng ngành của 28 nước thuộc Liên minh châu Âu.

Bình luận về vấn đề này trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong khuôn khổ diễn đàn SPIEF, Tổng thống Cộng hòa Srpska (thuộc Bosnia và Herzegovina) - ông Milorad Dodik tuyên bố, biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây là “bức biếm họa vẽ vội”.

Theo Ngoại trưởng Nga, hai bên thảo luận về triển vọng mở rộng xuất khẩu hàng nông nghiệp từ Cộng hòa Srpska sang Liên bang Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cuộc hội đàm cũng đề cập tới tình hình chính trị trong khu vực, trước hết là về “những biểu hiện dân tộc cực đoan gay gắt trong khu vực".

Tổng thống Putin cho rằng, Nga đã vượt qua thách thức khủng hoảng kinh tế

Tổng thống Putin cho rằng, Nga đã vượt qua thách thức khủng hoảng kinh tế

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, ông Milorad Dodik đưa ra nhận xét rằng, lệnh trừng phạt Nga của phương Tây không khác gì hành động ở “cấp độ biếm họa”.

Tất nhiên là hành động cấm vận sẽ để lại hậu quả không chỉ đối với nước Nga mà cả các nền kinh tế châu Âu.

Tổng thống Cộng hòa Srpska nhấn mạnh, tuy nhiên, tình huống này khác với hoàn cảnh của người Serbia những năm 1990.

Khi ấy, cộng đồng quốc tế đã phong tỏa Serbia và Cộng hòa Srpska tới mức để trẻ sinh non chết trong lồng ấp tại các bệnh viện, nhưng đối với Nga thì khác.

Nước Nga vẫn có những đối tác và thị trường mạnh ngay trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, đặc biệt là BRICS.

Hiện tượng địa-chính trị mới này sẽ cho phép thế giới phát triển năng động hơn, trong môi trường cạnh tranh đa cực chứ không phải độc quyền.

Ông Dodik gọi việc các cơ chế châu Âu ra sức ngăn cản thực hiện dự án “Dòng chảy phương Nam” mà Cộng hòa Srpska đang hy vọng được tham gia là “hành động trơ trẽn”, bởi vì rõ ràng châu Âu muốn hạ thấp vai trò của những nước nhỏ như Srpska và không muốn khu vực Balkan được cung cấp khí đốt như Đức thông qua Dòng chảy phương Bắc.

Tổng thống Dodik nhấn mạnh, không quan trọng đó là dòng chảy gì, cái chính nó là nguồn cung nhiên liệu từ Nga, bởi giá "nhiên liệu xanh" từ Bắc Âu đắt hơn nhiều.

Và việc biên bản ghi nhớ về “Dòng chảy phương Nam” được ký giữa Nga và Hy Lạp ngày 18/6 là một bước tiến về phía trước.

EU thiệt hại nặng nề, Nga vượt qua thử thách

Tờ báo Đức Die Welt ngày 19/6 viện dẫn số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo cho biết, lệnh trừng phạt chống Nga và những biện pháp đáp trả của Matxcơva có thể khiến các quốc gia châu Âu thiệt hại vào khoảng 100 tỷ euro và đặt hơn 2 triệu chỗ làm dưới nguy cơ đe dọa.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo phân tích, sụt giảm xuất khẩu mà đỉnh điểm tồi tệ nhất của nó là vào mùa thu năm ngoái đang là hiện thực nhức nhối với EU.

Nếu tình hình không thay đổi về cơ bản, thì có lẽ EU sẽ phải đối mặt với kịch bản bi quan nhất” - Oliver Fritz, một trong những tác giả nhận định.

“Tổng thống Vladimir Putin đã luôn cảnh báo rằng lệnh trừng phạt chống Nga gây tổn hại cho chính bản thân châu Âu” - Die Welt nhắc lại việc này và cho biết, hiện lời ông Putin nói đã thành sự thật, EU đang khốn đốn còn Nga đã dẫn vượt qua khó khăn.

Tờ báo Đức trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Saint Peterburg 2015 rằng, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công cụ tài chính nhà nước Nga như là trái phiếu đã tăng cao, dẫn đến dư cầu trái phiếu.

Ông Siluanov cho biết, ngành tài chính của Nga đang phát triển rất mạnh, ví dụ như các trái phiếu nhà nước.

Hiện khách hàng mua trái phiếu nhà nước của Nga, trong đó cả người nước ngoài, với lượng cầu cao hơn đáng kể so với lượng cung, có lúc gấp từ ba đến sáu lần mỗi phiên.

Ông nói thêm rằng hồi cuối năm ngoái, chính tài chính là lĩnh vực đầu tiên phản ứng tiêu cực với việc Mỹ và EU triển khai các lệnh trừng phạt nhằm vào Liên bang Nga với hiện tượng các nhà đầu tư ngừng bơm tiền, thậm chí là ồ ạt rút vốn khỏi Nga.

Nga đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng

Nga đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng

“Khi đó, luồng vốn đã chảy ra rất mạnh, các khoản đầu tư trong và ngoài nước vào các công cụ tài chính cũng bị ngừng.

Nhưng hiện nay, lạm phát đang được ổn định, lãi suất vay giảm, tỷ giá hối đoái ổn định, nhu cầu tiêu dùng đang được phục hồi, niềm tin đã trở lại” - người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới Saint Peterburg 2015, Tổng thống Putin khẳng định, nước Nga đã tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc vào cuối năm ngoái, mà nhiều chuyên gia phương Tây đã từng dự đoán.

"Mặc dù đất nước bị hạn chế trong việc tiếp cận thị trường vốn thế giới, bất chấp sự giảm giá các sản phẩm xuất khẩu chính, chúng tôi đã ổn định được tình hình, sử dụng toàn diện và hiệu quả hơn tiềm năng, nội lực để tiếp tục tự tin vượt giai đoạn khó khăn" - người đứng đầu nhà nước Nga cho biết.

Tổng thống lưu ý rằng, "…nền kinh tế Nga đã tích lũy đáng kể dự trữ nội lực, duy trì cán cân thương mại tích cực, tăng trưởng xuất khẩu phi nguyên liệu.

Tỷ giá được ổn định, nhu cầu tiêu dùng trong nước bắt đầu phục hồi, quan hệ với các trung tâm tăng trưởng mới của thế giới tiếp tục được mở rộng".

Ông Putin nhấn mạnh, ngoài BRICS, Nga sẽ mở rộng hợp tác với với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN, hiện tạo nên một phần tư nền kinh tế thế giới, mà mục tiêu đầu tiên là phát triển vùng Viễn Đông của Nga.

Ông còn cho biết, sự kiện quan trọng của sự phát triển hợp tác kinh tế với châu Á-Thái Bình Dương sẽ là Diễn đàn Kinh tế phương Đông đầu tiên được dự định tổ chức tại Vladivostok vào tháng 9 năm nay, đánh dấu bước ngoặt sự chuyển mình về phía đông của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại