Sau họp 4 bên: Người thấy le lói hi vọng, kẻ hả hê nhận thắng

My Lan |

Các nhà lãnh đạo châu Âu và ly khai Ukraine đều tỏ ra vừa lòng với kết quả của hội nghị thượng đỉnh 4 bên về Ukraine diễn ra ở Minsk ngày 11 - 12/2.

Mang lại hy vọng nhưng "chưa đủ"

Hội nghị thượng đỉnh 4 bên nhằm tìm giải pháp cho xung đột Ukraine đã kết thúc sau hơn 16 tiếng căng thẳng, với kết quả là một lệnh ngừng bắn từ 0 giờ ngày 15/2.

Điều này nhìn chung đã được lòng tất cả các bên.

Thủ lĩnh phe ly khai Alexander Zhakharchenko tự tin tuyên bố, thoả thuận hoà bình ở Ukraine "là chiến thắng lớn đối với nước Cộng hoà (tự xưng) Donetsk và Lugansk".

Igor Plotnitsky, một đại diện khác của phe ly khai, thì khẳng định: "Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài trao cho Ukraine cơ hội này, cả đất nước sẽ thay đổi".

Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu ÂU OSCE, Lamberto Zannier cho rằng kết quả đạt được sau cuộc hội đàm ở Minsk "quan trọng và cần thiết", có ích cho "sự ổn định hoá và hoà bình ở Ukraine".

Cũng theo ông này, nó sẽ tác động tới chương trình hoạt động và thời gian thực hiện nhiệm vụ giám sát của OSCE tại Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier điềm tĩnh khi bình luận rằng, hội nghị thượng đỉnh không thực sự là một bước đột phá, nhưng nó đã "đưa tất cả mọi người tránh khỏi con đường của sự leo thang" ở Donbass.

"Đối với một số người, điều này chưa đủ. Chúng tôi mong muốn hơn vậy, nhưng đây là những gì mà Tổng thống Nga và Ukraine có thể cùng nhất trí".

Trên Twitter của mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nêu quan điểm, thoả thuận đạt được ở Minsk hôm 12/2 "mang lại hi vọng" trước thềm cuộc gặp không chính thức giữa các thành viên hội đồng này ngay sau đó.

"Hi vọng là quan trọng, cần thiết, nhưng chưa đủ. Phép thử thật sự là việc tôn trọng ngừng bắn ở Ukraine".

Cũng theo ông Tusk, tình hình ở Ukraine và quan hệ với Nga có khả năng sẽ nằm trong những chủ đề chính được bàn thảo tại cuộc gặp không chính thức.

Nga sẽ không chịu thêm trừng phạt?

Tổng thống Putin trò chuyện với Thủ tướng Belarus Lukhasenko.

Tổng thống Putin trò chuyện với Thủ tướng Belarus Lukhasenko.

Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb ca ngợi kết quả của cuộc đàm phán, dù tỏ ra khá thận trọng: "Ngừng bắn là tin tốt, song nên xem nó sẽ được thực hiện thế nào".

"Chúng ta đang ở trong thời điểm được hoặc mất. Nếu sự không thành thì chúng ta sẽ phải chứng kiến mối quan hệ đóng băng giữa Nga và phương Tây".

Ông Stubb tiết lộ, nếu bà Merkel và ông Hollande hài lòng với kết quả của đàm phán Normandy, thì EU sẽ không bàn bạc các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga.

"Nếu họ nói rằng các cuộc hội đàm thất bại, lệnh trừng phạt chắc chắn được đưa ra".

Tại Minsk, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỉnh táo cho rằng: "Chúng ta đã có một tia hi vọng", song "tất nhiên, các bước đi cụ thể cần phải được thực hiện và vẫn sẽ có những rào cản lớn ở phía trước".

Bà Merkel ghi nhận công sức của Tổng thống Nga Putin trong việc gây áp lực đối với phe ly khai Ukraine, đồng thời tin tưởng Tổng thống Ukraine Poroshenko sẽ "làm mọi thứ để có thể chấm dứt đổ máu".

Tổng thống Pháp Francois Hollande thì cho hay, thoả thuận ngừng bắn mới bao gồm "một giải pháp chính trị toàn diện" và mang tới "hi vọng thực sự, ngay cả khi mọi thứ vẫn chưa xong".

"Thoả thuận về Ukraine ở Minsk cho thấy chúng ta đang đi đúng đường".

Ông này nhận định, vài giờ tiếp sau khi cuộc đàm phán kết thúc sẽ là thời khắc quan trọng với thoả thuận này, và cần phải tiếp tục gây áp lực nhằm đảm bảo sự thành công của nó.

Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker lại bày tỏ: "Đây không phải là lúc nói đến trừng phạt".

Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, cũng đồng quan điểm trên khi nói rằng, thay vì trừng phạt, bà muốn được thấy "các phương thức tích cực mà EU có thể đóng góp công sức".

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn giữ thái độ rất cứng rắn. "Nếu đây là thoả thuận ngừng bắn thật thì nó được hoan nghênh, nhưng vấn đề quan trọng nhất là hành động".

"Vladimir Putin cần biết rằng cho tới chừng nào thái độ của ông ta còn chưa thay đổi thì chừng đó, lệnh trừng phạt mà chúng tôi áp đặt sẽ không thay đổi".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại