QZ8501 đã không đột ngột "biến mất" nếu được lắp thiết bị này

Đức Huy |

Một hãng hàng không đã lắp đặt và đưa vào sử dụng một hệ thống đặc biệt giúp máy bay của họ không bao giờ bị mất tín hiệu.

QZ8501 mất tích: "Tại sao tìm iPhone còn dễ hơn tìm máy bay"?

Bài viết trên tờ Washington Post giới thiệu hệ thống này.

Một công nghệ không hề mới

Hãng hàng không First Air của Canada đã quá quen với những lộ trình đi qua các khu vực hẻo lánh và ít dân cư nhất trên thế giới. Thậm chí có những chuyến bay trên không phận Bắc Cực, nơi nằm ngoài tầm hoạt động của sóng radar thông thường.

Thế nhưng máy bay của First Air chưa bao giờ "biến mất" khỏi tầm kiểm soát, dù chỉ là một giây.

Đó là nhờ một bộ định vị, mà theo Washington Post mô tả chỉ nặng gần 3kg và có kích cỡ tương đương một chiếc két sắt nhỏ. Thiết bị này được First Air lắp đặt ở khoang điện tử của tất cả các máy bay hãng này sử dụng.

First Air thường xuyên có lộ trình bay qua các khu vực hẻo lánh như Bắc Cực. Ảnh: Wiki Media

First Air thường xuyên có lộ trình bay qua các khu vực hẻo lánh như Bắc Cực. Ảnh: WikiMedia

Khi máy bay giữ được lộ trình định sẵn, thiết bị này không cần phải được sử dụng. Nhưng nếu có trục trặc, chẳng hạn như thay đổi độ cao đột ngột, thiết bị này ngay lập tức sẽ truyền tải thông tin về vị trí hiện tại của máy bay về trạm kiểm soát ở đất liền qua vệ tinh.

Thông tin định vị cũng sẽ được cập nhật từng giây. Ngoài ra, thiết bị này còn giúp kiểm soát không lưu xác định được tọa độ, tốc độ, và độ cao hiện tại của máy bay, những thông tin tối quan trọng cho việc tìm kiếm cứu nạn.

Công dụng của thiết bị này thoạt qua có vẻ không có gì mới mẻ, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển với sự xuất hiện của lưu trữ đám mây, thiết bị liên lạc vệ tinh, cũng như các công cụ xử lý thông tin trực tiếp.

Tuy nhiên, First Air là trường hợp đặc biệt vì thiết bị của họ có thể hoạt động trong trường hợp khẩn cấp. Đại đa số các hãng hàng không thương mại khác, điển hình như trường hợp của Malaysia Airlines hay AirAsia, đều không có phương án dự phòng cho tình huống xấu.

Theo nhận xét của Washington Post, việc máy bay trong thời đại công nghệ tiên tiến ngày nay có thể "biến mất" như vậy là khá khó hiểu.

Những chiếc máy bay này có gắn bộ phát tín hiệu, nhưng nó chỉ hoạt động ở khu vực có sóng radar. Tức là khi bay qua các khu vực hẻo lánh, bộ phát tín hiệu này cũng chỉ để "làm cảnh".

75% các hãng hàng không trên thế giới lắp đặt trên máy bay của mình một hệ thống truyền tin khác mang tên ACARS. Nhưng hệ thống này cũng có một điểm yếu, nó chỉ có thể phát sóng ở một tần suất nhất định, ví dụ như 10 phút một lần.

Nói cách khác, nếu có sự cố bất ngờ xảy ra trong khoảng 10 phút đó, kiểm soát không lưu sẽ không thể xác định được vị trí của máy bay gặp nạn.

Bất cập hộp đen

Theo Washington Post, hộp đen là một công nghệ tương đối lỗi thời. Mỗi chiếc máy bay thương mại đều được gắn hai hộp đen với nhiệm vụ ghi lại những thông tin quan trọng về chuyến bay, nhưng chúng lại không được kết nối với một hệ thống lưu trữ (backup) nào khác.

Đó là lý do tại sao khi một chiếc máy bay gặp sự cố, các đội tìm kiếm phải bỏ ra hàng tháng, hay thậm chí hàng năm để tìm kiếm những chiếc hộp đen và xác định nguyên nhân tai nạn.

Hộp đen, thiết bị lưu trữ thông tin liên quan đến chuyến bay. Ảnh: Google Images
Hộp đen, thiết bị lưu trữ thông tin liên quan đến chuyến bay. Ảnh: Google Images

"Hộp đen chẳng khác gì một chiếc máy tính để bàn không nối mạng, một hình thức lưu trữ thông tin nội bộ", Stephen Trimble, chuyên gia hàng không kiêm phó tổng biên tập tạp chí Flight Global, ví von.

Những chiếc hộp đen này cũng có thể ghi lại các đoạn hội thoại trong buồng lái, tuy nhiên cứ sau 2 tiếng file này lại bị chép đè (overwrite).

"Hộp đen có vẻ đã quá lỗi thời", chính Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã nhận xét như vậy trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal, sau khi MH370 mất tích.

"Đến một chiếc iPhone còn có thể ghi âm được 24 tiếng liên tiếp, thì không có lý do gì một chiếc hộp đen không thể có đủ dung lượng bộ nhớ để ghi lại các đoạn hội thoại trong buồng lái trong cả chuyến bay", ông nói thêm.

Đầu tiên vẫn là ... tiền đâu

Lý do chủ yếu khiến các hãng hàng không chưa học theo First Air vẫn liên quan đến giá thành của thiết bị này.

Chỉ riêng phí lắp đặt đã lên tới 120 nghìn USD (khoảng 2,5 tỉ đồng) cho mỗi chiếc máy bay.

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến các hãng hàng không chưa quyết liệt trong việc lắp đặt thiết bị như của First Air là do họ muốn "cẩn trọng".

Họ cho rằng bất kì việc lắp đặt một công nghệ mới nào trên máy bay cũng sẽ đòi hỏi các hãng hàng không phải tổ chức luyện tập kĩ năng mới cho phi hành đoàn, điều này theo họ có thể dẫn tới các lỗi khác.

Phát biểu về vụ mất tích đến nay vẫn chưa có lời giải của MH370, ông Tony Tyler, giám đốc điều hành Tổ chức Hàng không Quốc tế (IATA), khẳng định:

"Dù máy bay không thể được định vị mọi lúc mọi nơi, nhưng di chuyển bằng đường hàng không vẫn là một phương án an toàn. Mỗi ngày trên thế giới vẫn có hơn 100 nghìn chuyến bay vận hành bình thường."

Tuy nhiên, theo ông Bill Tempany, CEO của công ty FLYHT sản xuất thiết bị định vị cho First Air, kiểu suy nghĩ chủ quan này là "không công bằng cho khách hàng".

"Ngành hàng không chưa cảm thấy sự cần thiết của việc lắp đặt thiết bị này. Họ cho rằng mọi thứ như hiện tại vẫn ổn. Nhưng bản thân tôi nghĩ như vậy thật sự không công bằng cho hành khách", ông phát biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại