QZ8501 mất tích: "Tại sao tìm iPhone còn dễ hơn tìm máy bay"?

Đức Huy |

Hàng vạn câu hỏi vì sao đang được đặt ra trong bối cảnh thế giới có nguy cơ đứng trước thêm một thảm họa hàng không mà không có lời giải đáp.

Toàn cảnh vụ chuyến bay QZ8501 mất tích

Tại sao với công nghệ tiên tiến ngày nay mà một chiếc máy bay có thể bỗng nhiên "biến mất" không để lại dấu vết như vậy?

Đây là câu hỏi chắc hẳn đang được lặp đi lặp lại trong đầu đông đảo những người có liên quan hoặc đang theo dõi diễn biến công tác tìm kiếm cứu nạn chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia Indonesia mất tích hôm 28/12 vừa qua.

Lái xe lạc đường có thể dùng hệ thống định vị GPS. Người dùng mất iPhone có thể tải xuống vô vàn các ứng dụng để xác định vị trí chỉ trong vài giây.

Thế nhưng một chiếc máy bay dài 37m, nặng 67 tấn, mang theo sinh mạng 162 con người thì đến nay đã hơn hai ngày vẫn chưa tìm thấy.

"Tại sao tìm iPhone còn dễ hơn tìm một chiếc máy bay?", chị Catalina Buitano đặt dấu hỏi trên mạng xã hội Twitter.

Sự chủ quan của các hãng hàng không

Có rất nhiều người đang có chung "thắc mắc" với Buitano. Trong thời đại các hệ thống định vị được sử dụng rộng rãi trên mọi thiết bị, tại sao một chiếc máy bay lại không nằm trong số đó?

Cư dân mạng Twitter bày tỏ sự khó hiểu trước sự khó khăn trong việc tìm kiếm máy bay.

Cư dân mạng Twitter thắc mắc trước sự khó khăn trong việc tìm kiếm máy bay ở thời đại công nghệ phát triển như hiện nay.

Thật ra, ngành hàng không thế giới đã đầu tư hàng tỉ USD cho các tính năng an toàn, nhưng hệ thống định vị của họ vẫn để "lọt" máy bay khi bay qua biển hoặc một số vị trí "hẻo lánh".

Theo cựu giám đốc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ Jim Hall, các hãng hàng không vẫn còn tương đối chủ quan và cho rằng máy bay của họ sẽ báo cáo lại với kiểm soát không lưu sau khi bay ra khỏi khu vực "mất sóng".

Tuy nhiên trong trường hợp của QZ8501, máy bay này đã mất liên lạc hoàn toàn.

Từ sau vụ mất tích chưa có lời giải đáp của MH370, ông Hall đã kêu gọi các hãng hàng không cải tiến và nâng cấp các tính năng định vị cho máy bay, nhất là cho những chuyến bay đường dài có lộ trình qua biển.

Các cơ quan hàng không Malaysia cũng đề nghị Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thúc đẩy lắp đặt một hệ thống định vị trực tiếp trên máy bay thương mại.

Công nghệ định vị trực tiếp đã được đưa vào sử dụng trên một số loại máy bay, tuy nhiên kể cả sau bi kịch MH370, vấn đề giá thành và sự quan liêu của chính phủ nhiều nước vẫn là rào cản cho việc lắp đặt đại trà hệ thống này.

Làm sao để không có một MH370 hay QZ8501 thứ ba?

Theo chuyên gia hàng không Mary Schiavo, đã đến lúc các nhà chức trách có những hành động cụ thể trong việc cải tiến công nghệ định vị máy bay. Bà cho rằng chỉ đưa ra kiến nghị là không đủ, mà phải có những bộ luật rõ ràng.

"Trong thời đại này, không có lý do gì để giải thích cho việc không lắp đặt đại trà các thiết bị định vị trực tiếp. Chúng ta có phải chờ để phát triển công nghệ này đâu, nó đã có sẵn rồi đấy thôi," bà Schiavo phát biểu trên CNN.

Với công nghệ định vị trực tiếp, máy bay có thể phát tín hiệu liên tục, giúp kiểm soát không lưu dễ dàng xác định tọa độ máy bay.

Với công nghệ định vị trực tiếp, máy bay có thể phát tín hiệu liên tục, giúp kiểm soát không lưu dễ dàng xác định tọa độ máy bay.

Tuy nhiên, công nghệ này không được các hãng hàng không lớn ưa chuộng, với rào cản lớn nhất vẫn là giá cả.

Các hãng hàng không đã và đang vận động chính phủ nước mình dành ngân sách cho việc lắp đặt hệ thống định vị trực tiếp, với luận điểm đây không phải là vấn đề riêng của hãng mà còn liên quan an ninh quốc gia.

Chính quyền một số nước đã đồng ý lo toan chi phí cho việc lắp đặt công nghệ này, tuy nhiên con số đó là không nhiều.

Vì vậy, những người như chị Buitano sẽ còn phải "thắc mắc" dài dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại